Trung Quốc nghĩ gì khi Nhật Bản trình làng tàu khu trục mới?

Nhật Bản gần đây đã cho ra mắt một loại tàu khu trục mới với công nghệ phòng thủ tên lửa hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc miêu tả con tàu này chính là một mối đe dọa nguy hiểm.
Trung Quốc nghĩ gì khi Nhật Bản trình làng tàu khu trục mới? ảnh 1Tàu khu trục JS Yuugiri (trái) và Yuudachi (phải) của Nhật Bản. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Theo trang mạng businessinsider.com, Nhật Bản gần đây đã cho ra mắt một loại tàu khu trục mới với công nghệ phòng thủ tên lửa hàng đầu của Mỹ.

Mặc dù gần như Nhật Bản luôn thể hiện tư thế phòng thủ, song Trung Quốc vẫn miêu tả con tàu này chính là một mối đe dọa nguy hiểm.

Đã 7 thập kỷ trôi qua kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần II kết thúc với hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của một liên minh Mỹ-Nhật Bản mạnh mẽ và một nền hòa bình trên khắp Thái Bình Dương.

Nhật Bản, sau khoảng thời gian đô hộ gần như toàn bộ đất nước Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh, đã từ bỏ thái độ gây hấn quân sự của mình sau khi đầu hàng Mỹ.

Kể từ đó, Nhật Bản không có lực lượng quân đội thường trực, nhưng vẫn duy trì lực lượng phòng vệ.

Hiến pháp Nhật Bản hạn chế nghiêm ngặt việc chi tiêu cho quốc phòng và không cho phép triển khai quân đội ở nước ngoài.

Tuy nhiên, các mối đe dọa từ Triều Tiên - nước nhiều lần đã thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân qua lãnh thổ Nhật Bản - đã thúc đẩy khao khát phòng thủ tên lửa của Nhật Bản, với sự trợ giúp của Mỹ, thể hiện một phần qua tàu khu trục lớp Maya mới của họ.

Veerle Nouwens, chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, nói: “Việc Nhật Bản sở hữu con tàu này không phải là vấn đề lớn. Họ đang dùng nó trong các cuộc giao lưu quân sự hoặc ngoại giao. Thực tế là họ đã làm như vậy khi cho con tàu này đi tới Ấn Độ, Sri Lanka và Singapore.”

Sứ mệnh của tàu khu trục mới này cũng không khác gì sứ mệnh của các tàu khu trục cũ mà Nhật Bản đang sở hữu.

Tàu này sẽ dành phần lớn thời gian để thực hiện các hoạt động huấn luyện và ghé thăm các lực lượng quân đội láng giềng.

Tàu khu trục này thực sự không phải là một vấn đề đáng phải chú ý quá mức. Nó thực hiện một trong những nhiệm vụ mang tính hòa bình của một tàu chiến.

Một lý do khác khiến con tàu này bị Bắc Kinh chỉ trích đơn giản là vì yếu tố địa lý. Tàu khu trục này sẽ đi qua Biển Đông và đó là khu vực cực kỳ nhạy cảm đối với Trung Quốc, nước đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và tỏ thái độ coi thường luật pháp quốc tế.

[Nhật Bản triển khai 2 tàu tuần tra lớn để bảo vệ các nhà máy hạt nhân]

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) phản ứng trước việc Nhật Bản ra mắt tàu khu trục mới bằng việc dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng con tàu này “có khả năng là nhắm vào Trung Quốc và đang đe dọa các nước khác.”

Một chuyên gia Trung Quốc nói: “Một khi Nhật Bản và Mỹ cho rằng cần phải có một sự an toàn tuyệt đối, họ có thể sẽ tấn công các nước khác mà không hề do dự, việc này chắc chắn sẽ gây mất ổn định các khu vực khác.”


Trò chơi thực sự của Trung Quốc

Theo Nouwens, “Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Chúng ta có thể khẳng định rằng đó là ý định khá kiên quyết. Họ tìm cách thay thế vị trí truyền thống cũng như vị thế thống trị khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.”

Kể từ Chiến tranh Thế giới II, Mỹ - đặc biệt là lực lượng Hải quân nước này - đã tuân thủ quyền tự do và mở cửa hàng hải cũng như một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

Trật tự này - buộc Mỹ phải hứng chịu chi phí khổng lồ - đã làm giàu cho thế giới và đặc biệt là Trung Quốc, bởi việc vận chuyển an toàn trên biển đã giúp ích cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Tuy nhiên hiện nay, Nouwens cho rằng Trung Quốc đang đe dọa hiện trạng này. Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa dùng vũ lực đối với các nước muốn thực hiện các hoạt động như đánh bắt thủy sản trong phạm vi ranh giới hàng hải của những nước này do Liên hợp quốc định rõ.

Tuy nhiên, khi một tàu Hải quân Mỹ đi qua Biển Đông, Bắc Kinh đã gọi đây là hành động khiêu khích, vô ích hoặc gây bất ổn.

Nouwens nhấn mạnh: “Khi những nước khác làm điều đó, Trung Quốc coi là mối đe dọa. Khi Trung Quốc làm điều đó với các nước khác, họ cho đó là điều bình thường.”

Việc hai nước Mỹ-Nhật Bản từng tham chiến hạt nhân giờ đây có thể hợp tác với nhau để tìm cách bảo vệ quyền lợi trên biển của tất cả các quốc gia chính là một sự tiến triển vì hòa bình đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc - nước luôn tìm cách làm suy yếu trật tự thế giới để tiếp tục theo đuổi mục tiêu thống trị châu Á - đây lại là nguyên nhân khiến họ lo ngại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục