Trung Quốc nghiên cứu xây 2 tuyến đường sắt cho VN

Tại Hà Nội, ngày 11/6, Cục đường sắt Việt Nam với Liên danh Tổng công ty xuất nhập khẩu máy móc thiết bị Trung Quốc (CMC) và Tổng Công ty xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) đã ký biên bản ghi nhớ khảo sát, nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 5 ở Hà Nội, Nam Thăng Long-Láng Hòa Lạc.

Tại Hà Nội, ngày 11/6, Cục đường sắt Việt Nam với Liên danh Tổng công ty xuất nhập khẩu máy móc thiết bị Trung Quốc (CMC) và Tổng Công ty xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) đã ký biên bản ghi nhớ khảo sát, nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 5 ở Hà Nội, Nam Thăng Long-Láng Hòa Lạc. 

Ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cho biết tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ bắt đầu từ Nam Hồ Tây, qua siêu thị Bic C đến Trung tâm hội nghị Quốc gia, lên Láng Hòa Lạc và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trong đó phần qua Hà Nội sẽ đi ngầm, qua Trung tâm hội nghị Quốc gia sẽ đi nổi, một phần của tuyến sẽ được kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2, Hà Nội-Hà Đông.
 
Theo biên bản ghi nhớ này, sau 12 tháng kể từ ngày ký, Liên danh CMC - CRCC sẽ bàn giao báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như cam kết vay vốn ODA của Trung Quốc cho Cục đường sắt Việt Nam.
 
Cùng ngày, Cục đường sắt Việt Nam và Liên danh CMC-CRCC (Trung Quốc) tổ chức hội thảo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh. Đây là dự án nằm trong chiến lược phá triển Đường sắt Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
 
Tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh là thành phần quan trọng của tuyến đường sắt xuyên Á, cửa ngõ kết nối Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tuyến đường sắt này dài gần 130km bắt đầu từ ga Dĩ An và kết thúc tại cửa khẩu Hoa Lư (Campuchia), toàn tuyến có 13 ga.
 
Dự án đã được giao cho Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (TEDI South) nghiên cứu và hoàn thành từ năm 2006, tuy nhiên do thiếu vốn, dự án vẫn không được triển khai. Được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ, cuối năm 2006, Cục đường sắt Việt Nam ký biên bản ghi nhớ với Liên danh CMC - CRCC để cập nhật tiếp dự án và tìm nguồn vốn ODA cho dự án.
 
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, khảo sát, báo cáo cuối kỳ của dự án đã được Liên danh CMC - CRCC hoàn thành. Sau hội thảo này, báo cáo cuối kỳ của dự án sẽ được Liên danh CMC - CRCC chỉnh lý bổ sung và bàn giao cho Cục đường sắt Việt Nam, cùng với đó là quá trình triển khai vay vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục