Trung Quốc: Nhân tố cạnh tranh, đối thủ hay kẻ thù?

Danh tiếng và mức độ đáng tin cậy của Trung Quốc ngày càng mờ nhạt. Mối quan hệ của nước này với Mỹ ngày càng xấu đi. Châu Âu giờ đây cần một chính sách riêng đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc: Nhân tố cạnh tranh, đối thủ hay kẻ thù? ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng zeit.de, mới đây đăng bài bình luận của nhà sử học và nhà báo người Đức Theo Sommer - nguyên là Tổng biên tập nhật báo Thời đại (Die Zeit)- với tiêu đề "Trung Quốc: Nhân tố cạnh tranh, đối thủ hay kẻ thù?"

Nội dung chính của bài viết như sau:

Danh tiếng và mức độ đáng tin cậy của Trung Quốc ngày càng mờ nhạt. Mối quan hệ của nước này với Mỹ ngày càng xấu đi. Châu Âu giờ đây cần một chính sách riêng đối với Bắc Kinh.

24 năm trước, sau nhiều chuyến đi đến Trung Quốc, tác giả Theo Sommer đã bình luận trên báo Die Zeit: "Trung Quốc đang trở thành cường quốc thế giới - một đất nước với quy mô 1,2 tỷ dân với diện tích lãnh thổ rộng lớn và tỷ lệ tăng trưởng cao, sẽ không chỉ là một cường quốc khu vực mà còn là cường quốc toàn cầu."

Giờ đây Trung Quốc là quốc gia với 1,4 tỷ dân, và không chỉ là một cường quốc mà còn đang trên đường trở thành một siêu cường. Dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh đang mang đến cho trật tự thế giới một "sắc thái Trung Quốc" với tất cả sức mạnh của mình, nhất là sức mạnh về mặt kinh tế.

[Đại sứ Trung Quốc cáo buộc Mỹ châm ngòi cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới]

Vào thời điểm hơn hai thập kỷ trước, tác giả đã viết rằng "Trung Quốc đã mang theo niềm tự hào và cả thái độ kiêu ngạo của một nền văn minh lâu đời nhất trên Trái Đất.... Người Trung Quốc cho rằng không ai không muốn tiếp cận thị trường khổng lồ của họ."

Tác giả cho rằng những nhận định của mình đã tồn tại qua hơn 20 năm và bây giờ suy đoán đó vẫn còn nguyên giá trị. Các cuộc khảo sát ở các quốc gia phương Tây cho thấy rằng các chính sách và chiến lược của Trung Quốc hiện đang được nhìn nhận là kém tích cực hơn so với những năm trước đây. Danh tiếng, uy tín và sự tin cậy của nước này đã bị phai nhạt dần.

Sự "ầm ĩ" trong các phát ngôn của những "nhà ngoại giao Chiến Lang" của Bắc Kinh, sự thiếu nhượng bộ trong các cuộc đàm phán kinh tế kéo dài vô tận, những tác động ngầm đến những nhân tố chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc trên khắp thế giới nhằm mang lại lợi ích cho nước này, những tham vọng và hành động quân sự của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các cuộc chạm trán đầy chết chóc ở khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, áp lực ngày càng gia tăng với Đài Loan, các hành động như ban hành Luật An ninh quốc gia mới áp dụng cho Hong Kong- tất cả những điều này đã dẫn đến việc Trung Quốc dần mất đi những người bạn trên khắp thế giới và dần bị cô lập.

Ngay cả những nỗ lực ngoại giao, tuyên truyền của Bắc Kinh nhằm nhận được những lời ngợi ca về thành tích đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hay sự hỗ trợ các nước phòng chống dịch, cũng chỉ mang lại cho nước này những cái lắc đầu hay nhăn mặt từ các quốc gia khác.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang trong tình trạng rất xấu. Căng thẳng giữa hai nước ngày càng tăng. Ở Washington cũng như Bắc Kinh, người ta đang nói tới một cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai, thậm chí những người có quan điểm cứng rắn ở cả hai bên còn nói đến một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa hai nước.

Kịch bản Thucydides- kịch bản đặt theo tên sử gia Hy Lạp Thucydides, người viết về cuộc chiến tranh tàn khốc giữa Sparta và Athens vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, vẫn là một kịch bản hiện hữu trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay.

Nhà báo, nhà khoa học chính trị Đức Klaus-Dieter Frankenberger đã viết trên tờ báo Frankfurter Allgemein Zeitung về mối quan hệ Trung-Mỹ là "cuộc xung đột lớn mới nổi."

"Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình, giấc mơ về "sự hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Quốc," là một thách thức lớn đối với vị trí siêu cường của nước Mỹ. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIX, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc cần trở thành "trung tâm của thế giới."

Ông muốn đưa quân đội Trung Quốc thành quân đội hùng mạnh nhất thế giới và biến nước này thành nước đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông cũng muốn xây dựng một "cộng đồng chung vận mệnh," một khái niệm làm nhiều người nhớ đến đến khái niệm "thiên địa" thường được nói tới tại nước này.

Nhưng ông Tập Cận Bình đã không chỉ dừng lại ở các báo cáo mang tính lý thuyết. Chính sách đối ngoại của ông ngày càng tiến những bước dài, ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông và đạt được một số thành công trong dự án Con đường tơ lụa.

Chính sách của Trung Quốc, lúc đầu làm dấy lên sự hoài nghi, sau đó gặp phải sự phản kháng ở khắp mọi nơi và ngày càng tăng. Yêu cầu về sự "tôn trọng" và "hòa hợp" của Tập Cận Bình không thể được hiểu là các nước phải phục tùng và tuân theo các quan điểm chính trị của Trung Quốc.

Sự thù địch với Trung Quốc đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, trước hết là do vấn đề thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc so với Mỹ.

Bây giờ sự thù địch này đã nhận được đồng thuận của cả lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa, và nó không còn chỉ là về vấn đề thương mại. Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ tháng 12/2017 đã xếp Trung Quốc vào diện "quốc gia xét lại"- nước đang cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; ở đó đang diễn ra "một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các ý tưởng về một trật tự thế giới tự do và ý tưởng về trật tự thế giới dưới sự áp bức của Trung Quốc."

Sau đó, trong các tuyên bố chính thức, thuật ngữ "đối thủ đối lập chiến lược" đã thay thế thuật ngữ "đối thủ cạnh tranh." Dưới thời Ngoại trưởng Mike Pompeo, thuật ngữ này chuyển thành "kẻ thù địch." Và Ngoại trưởng của siêu cường có vị Tổng thống liên tục quấy rối các đồng minh của mình, đã kêu gọi một "liên minh của các quốc gia dân chủ" để chống lại Trung Quốc.

"Nếu bây giờ chúng ta quỳ gối, con cháu của chúng ta sẽ phải chịu đựng sự thương xót và cả sự quấy nhiễu thường xuyên của Trung Quốc, đó là thách thức tồi tệ nhất đối với thế giới tự do," ông Pompeo kêu gọi. 

Thế nhưng nước Mỹ hiện nay không thể trở thành quốc gia lãnh đạo toàn cầu, chính sách đối ngoại hiện tại của chính quyền Mỹ chủ yếu bị chi phối bởi những tính toán cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tới đây.

Người châu Âu có những mối quan hệ riêng với Trung Quốc. Họ không nên dính líu đến liên minh chống Trung Quốc của Mỹ. Châu Âu cần có chính sách của riêng mình trong quan hệ với Bắc Kinh.

Chính sách đó dứt khoát phải bảo vệ lợi ích của châu Âu, đồng thời phải khai thác được các tiềm năng của sự hợp tác, phục vụ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Kết thúc bài viết, tác giả Theo Sommer cho rằng Trung Quốc nên cho thấy phán đoán của ông từ năm 1996 là sai; rằng Trung Quốc - nước vốn luôn khăng khăng với quan điểm của riêng mình, hãy điềm tĩnh và lắng nghe quan điểm của nước khác.

Theo ông, sự hài hòa không chỉ có nghĩa là phục tùng hay tuân thủ, mà còn có nghĩa là biết chấp nhận sự khác biệt và cùng nỗ lực để tiến tới một sự thỏa hiệp, mang lại lợi ích chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục