Trung Quốc nổi giận vì Pháp đấu giá ấn đời Thanh

Cơ quan quản lý văn hóa Trung Quốc chỉ trích nhà bán đấu giá Artcurial (Pháp) đã bán một chiếc ấn đời Càn Long giá 1,1 triệu euro.
Cơ quan quản lý văn hóa nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích nhà bán đấu giá Artcurial của Pháp đã bán một chiếc ấn có giá trị lịch sử được cho là từng bị quân đội nước ngoài đưa khỏi Trung Quốc vào thế kỷ 19. Báo Beijing News cho biết, cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa (SACH) nói Trung Quốc phản đối và lên án việc bán các di sản văn hóa đã bị đưa một cách bất hợp pháp ra khỏi nước này. Chính quyền Trung Quốc bảo lưu quyền nhận lại các di sản được xác nhận là thuộc về Trung Quốc và hy vọng các tổ chức nước ngoài liên quan tuân thủ các hiệp ước quốc tế, SACH nói. Nhà đấu giá Pháp Artcurial ngày 17/12 đã bán chiếc ấn thu về 1,1 triệu euro (1,4 triệu USD) ở Paris, bất chấp những đe dọa của Trung Quốc rằng họ sẽ có hành động pháp lý với lập luận chiếc ấn đã bị ăn trộm khỏi Bắc Kinh vào năm 1860. [Ấn đời Càn Long vẫn được bán bất chấp phản đối] Chiếc ấn bằng ngọc bích xanh có niên đại từ thời Càn Long (1736-95) được bán cho một người đấu giá qua điện thoại không rõ danh tính với giá cao hơn gấp năm lần ước tính. Hiệp hội bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc ở châu Âu (APACE) đã hối thúc nhà Artcurial rút lại quyết định bán chiếc ấn, nói nó đã bị quân đội Anh-Pháp đánh cắp ra từ Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Artcurial nói trong liệt kê danh mục của họ rằng chiếc ấn, cao 2 cm và dài 4,5 cm, từ bộ sưu tập cá nhân của một gia đình người Pháp đã sở hữu nó từ cuối thế kỷ 19. APACE tuyên bố đã ủy quyền cho một luật sư để “có hành động pháp lý”, bao gồm nộp đơn kiện hình sự tội đánh cắp và tiêu thụ của gian, nếu vụ bán đấu giá vẫn diễn ra. Di Hòa Viên bị liên quân Anh-Pháp tấn công và cướp bóc trong cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai từ 18 tới 19-10-1860. Bắc Kinh ước tính ít nhất 1,5 triệu cổ vật đã bị cướp bóc trong thời gian đó./.
Trung Quốc nổi giận vì Pháp đấu giá ấn đời Thanh ảnh 1
Di Hòa Viên là một trong những thắng tích nổi tiếng ở Bắc Kinh (Nguồn: AFP)
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục