Trung Quốc phản ứng trước sự xâm nhập của ngày lễ Giáng sinh

Giáng sinh theo kiểu phương Tây đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Trước "làn sóng" xâm nhập này, những người bảo vệ văn hóa truyền thống nước này đã có nhiều hành động ngăn chặn.
Trung Quốc phản ứng trước sự xâm nhập của ngày lễ Giáng sinh ảnh 1Sinh viên Trung Quốc giơ biểu ngữ phản đối. (Nguồn: Getty Images)

Giáng sinh theo kiểu phương Tây đang ngày càng trở nên phổ biến và dần bao trùm Trung Quốc. Trước "làn sóng" xâm nhập này, những người bảo vệ văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng đã có nhiều hành động phản ứng lại.

Hôm thứ Tư vừa qua, những sinh viên đại học ở tỉnh Hồ Nam đã tổ chức một cuộc thi sắc đẹp “chống Giáng sinh” với những biểu ngữ như “Trung Quốc không nên tổ chức lễ hội nước ngoài.” Các quan chức giáo dục ở thành phố ven biển Ôn Châu cũng đã ban hành sắc lệnh cấm các trường học tổ chức những sự kiện theo chủ đề Giáng sinh.

Truyền thông trung ương Trung Quốc cho biết, sinh viên thuộc một trường đại học ở tây bắc Trung Quốc đã phải dành 3 giờ đồng hồ xem phim tuyên truyền, trong đó có một bộ phim ca ngợi Khổng Tử. Thậm chí, đội ngũ giảng viên còn đứng chặn các cửa ra vào, không cho sinh viên nào trốn ra ngoài để đi chơi Giáng sinh.

“Hãy ngoan ngoãn, hỡi nam nữ thanh niên Trung Quốc, và phản đối việc ăn mừng những lễ hội ngoại lai” là nội dung viết trên một biểu ngữ được treo trong khuôn viên trường Cao đẳng Hiện đại của Đại học Tây Bắc, Tây An, Trung Quốc.

Mặc dù những bất ổn về vấn đề bài ngoại đối với lễ Giáng sinh vẫn thỉnh thoảng xuất hiện tại Trung Quốc, nhưng trong năm nay, các hoạt động “chống Giáng sinh” đã gia tăng đáng kể.

Theo các nhà hoạt động Công giáo, đáng báo động nhất phải kể tới chiến dịch trấn áp đối với hoạt động xây dựng nhà thờ ở Ôn Châu - một thành phố phát triển thuộc tỉnh Chiết Giang, đôi khi còn được gọi với cái tên “Jerusalem của Trung Quốc” bởi số lượng lớn những giáo đoàn tại đây.

Chính phủ đã nhắm tới khoảng 400 nhà thờ trên khắp địa phận thành phố, phá dỡ một số nhà thờ và tháo gỡ thánh giá tại các công trình được họ xác định là vi phạm quy hoạch của địa phương. Mặt khác, một chính sách của tỉnh được công bố trong năm nay lại cho biết rằng thực ra chiến dịch này là nhằm điều tiết các hoạt động tôn giáo “quá phổ biến.”

Theo Radio Free Asia, tuần trước đã có 3 người bị thương sau khi 100 cảnh sát và nhân viên chính phủ sử dụng vũ lực để tháo gỡ một cây thánh giá khỏi một nhà thờ ở Hàng Châu.

Đối với các doanh nghiệp ở Trung Quốc thì Giáng sinh đã trở thành một dịp làm ăn lớn. Doanh số của các nhà bán lẻ tại đây thường đạt cực đại vào khoảng cuối tháng 12. Mặc dù ngày lễ Giáng sinh ở Trung Quốc đã mất đi gần hết ý nghĩa tôn giáo, nhưng việc tặng quà trong giới trẻ Trung Quốc vẫn ngày một tăng cao. Gần như tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm hay căn hộ cao cấp nào tại Trung Quốc cũng được trang hoàng bằng những cây thông Giáng sinh hay những đồ trang trí khác ở sảnh và cửa thang máy.

Tại các cửa hàng trên toàn quốc, người mua hàng không thể không nghe thấy những đoạn nhạc “Jingle Bells” và “Feliz Navidad.” Trên ứng dụng mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc Wechat, nếu người dùng gõ từ “Christmas,” những cây vân sam nhỏ sẽ xuất hiện trên màn hình.

Thành phố Yiwu, một trung tâm bán buôn hàng hóa gần Thượng Hải, là nơi sản xuất khoảng 60% tuần lộc nhồi bông, tượng người lùn và dây đèn nhấp nháy trên toàn thế giới, theo số liệu do Hiệp hội Sản phẩm Giáng sinh Công nghiệp Yiwu với 600 nhà máy thành viên.

Trung Quốc phản ứng trước sự xâm nhập của ngày lễ Giáng sinh ảnh 2Người công giáo ở Bắc Kinh, Trung Quốc chuẩn bị cho Giáng sinh. (Nguồn: Getty Images)

Mặc dù niềm yêu thích Giáng sinh của người dân Trung Quốc không xuất phát từ niềm tin tôn giáo, song số lượng tín đồ Công giáo đã tăng vọt trong những năm gần đây. Theo ước tính, tại Trung Quốc có tới hơn 100 triệu tín hữu Công giáo so với con số 85 triệu thành viên Đảng Cộng sản.

Tuy nhiên đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, Giáng sinh đơn giản chỉ là một dịp vui vẻ, chẳng liên quan gì nhiều tới tôn giáo.

“Mặc dù có vẻ hơi nông cạn và chú trọng nhiều vào việc tiêu dùng, nhưng người dân đều cảm thấy hài lòng vào dịp Giáng sinh,” Liu Xingyao, 22 tuổi, một sinh viên đồng thời là một tín đồ Công giáo thuộc trường Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Bắc Kinh chia sẻ. “Họ chỉ nghĩ rằng ngày này là một cái cớ để vui chơi thôi.”

Nhưng những người ủng hộ truyền thống cứng rắn và bảo thủ lại cho rằng sự phổ biến ngày càng tăng của lễ Giáng sinh là một mầm mống ngấm ngầm lật đổ văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tại Đại học Hiện đại thuộc Đại học Tây Bắc - ngôi trường đã cấm sinh viên ra ngoài vào đêm Giáng sinh - các nhà chức trách đã giải thích về sự phản đối của trường với ngày lễ Giáng sinh qua một bài blog được Liên đoàn Thanh niên Cộng sản của trường đăng tải.

“Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Trung Quốc bắt đầu chú trọng tới các ngày lễ phương Tây,” bài blog viết. “Trong mắt họ, phương Tây phát triển hơn Trung Quốc, và họ nghĩ rằng các ngày lễ phương Tây thanh lịch hơn ngày lễ của chúng ta, thậm chí cho rằng ngày lễ phương Tây là thời thượng, còn ngày lễ truyền thống thì đã lỗi thời.”

Vào hôm thứ năm, khi những hình ảnh của sự kiện chống Giáng sinh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc, đã có nhiều ý kiến phản biện lại quan điểm chống Giáng sinh này.

“Nếu một ngày nào đó, người châu Âu, người Mỹ và các nước Đông Á khác ra đường để phản đối và tẩy chay Tết Âm Lịch của người Trung Quốc, tôi rất muốn biết những người ‘ủng hộ dân tộc’ sẽ cảm thấy thế nào,” blogger Wu Zhongzhan lên tiếng.

Yao Bo, một nhà bình luận nổi tiếng thì cho rằng những người phản đối nên tập trung nuôi dưỡng văn hóa truyền thống Trung Quốc thay vì tuyên truyền bài xích Giáng sinh.

“Tôn trọng truyền thống không phải là tẩy chay những truyền thống khác, mà là giữ đúng bản chất của chính mình,” Yao Bo viết. “Truyền thống sẽ không bao giờ được hồi sinh bằng cách tẩy chay những người khác. Việc tẩy chay chỉ khiến nó trở thành một trò hề mà thôi.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục