Trung Quốc phóng thành công tàu Thần Châu-16 "là thành tựu lớn"

Chuyên gia Nga cho biết: “Trung Quốc thể hiện trình độ cao và sự phát triển nhanh chóng trong ngành vũ trụ, và những thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực này đang ngày càng trở nên đáng chú ý hơn."
Trung Quốc phóng thành công tàu Thần Châu-16 "là thành tựu lớn" ảnh 1Tàu vũ trụ Thần Châu-16 ghép nối thành công với module Thiên Hà trên trạm vũ trụ Thiên Cung, ngày 30/5/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-16, đưa ba phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung, là một thành tựu lớn trong ngành hàng không vũ trụ của nước này và trên toàn cầu.

Đó là nhận định của nhà sử học người Nga về du hành vũ trụ và là thành viên của Học viện Vũ trụ Nga Tsiolkovsky, ông Aleksandr Zheleznyakov, trong một cuộc phỏng vấn ngày 30/5.

Chuyên gia người Nga đánh giá vụ phóng tàu Thần Châu-16 bất ngờ và rất có ý nghĩa này mang lại nhiều khả năng hơn cho con người khám phá không gian và vũ trụ. Việc phóng bất kỳ tàu vũ trụ có người lái nào vẫn là một sự kiện độc đáo và quan trọng, mặc dù con người đã ở trên vũ trụ hơn 60 năm.

“Trung Quốc thể hiện trình độ cao và sự phát triển nhanh chóng trong ngành vũ trụ, và những thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực này đang ngày càng trở nên đáng chú ý hơn mỗi năm” - chuyên gia Zheleznyakov cho biết.

Nga và Trung Quốc có thể hợp tác trong nhiều dự án thăm dò liên quan đến Mặt Trăng và các hành tinh khác nhau, bao gồm Sao Kim và Sao Hỏa - ông Zheleznyakov nhận định.

“Với khả năng về công nghệ của Trung Quốc và những phát triển gần đây trong vũ trụ, sự tham gia của Trung Quốc có thể mang lại hiệu quả” - ông nhấn mạnh.

Trung Quốc trước đó đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở miền Tây Bắc nước này vào lúc 9h31 sáng 30/5 (giờ địa phương); tên lửa mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-16, đưa ba phi hành gia của nước này lên trạm vũ trụ Thiên Cung.

[Trung Quốc lần đầu cho phép phi hành gia dân sự lên trạm Thiên Cung]

Các phi hành gia Thần Châu-16 được kỳ vọng sẽ đạt được những thành tựu khoa học cấp cao trong việc nghiên cứu các hiện tượng lượng tử mới lạ, các hệ tần số không thời gian có độ chính xác cao, xác minh thuyết tương đối rộng và nguồn gốc của sự sống.

Đây là chuyến bay đầu tiên của thế hệ phi hành gia thứ ba của Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên có sự tham gia của phi hành gia dân sự trong sứ mệnh trên tàu vũ trụ. Chuyến bay của tàu Thần Châu đánh giá là bước tiến mới của Trung Quốc trên con đường trở thành một cường quốc không gian.

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc đã đạt nhiều bước tiến trong ngành hàng không vũ trụ.

Chiều 21/5 vừa qua, từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Trung Quốc đã phóng thành công các vệ tinh khoa học mới lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2C.

Các vệ tinh, bao gồm Macao Science 1 - vệ tinh thăm dò không gian đầu tiên do Trung Quốc đại lục và Macao (Trung Quốc) cùng phát triển, đã đi vào quỹ đạo sắn thành công.

Sáng 17/5, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh định vị Bắc Đẩu mới vào vũ trụ từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương thuộc tỉnh Tứ Xuyên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-3B.

Vệ tinh mới được thiết kế để vào quỹ đạo địa tĩnh của Trái Đất, đây là vệ tinh thứ 56 trong gia đình vệ tinh Bắc Đẩu và cũng là lần bổ sung vệ tinh đầu tiên cho Hệ thống Vệ tinh Định vị Bắc Đẩu 3.

Trung Quốc phóng thành công tàu Thần Châu-16 "là thành tựu lớn" ảnh 2Nhóm ba phi hành gia trên tàu Thần Châu-16 với trưởng đoàn là Thiếu tướng Cảnh Hải Bằng (phải) - người lần thứ tư thực hiện nhiệm vụ bay vào không gian; thứ hai là kỹ sư hàng không vũ trụ Chu Dương Trụ (giữa) và người thứ ba là ông Quế Hải Triều - Giáo sư thuộc trường Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, cá nhân dân sự đầu tiên ở Trung Quốc bay vào vũ trụ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước đó, ngày 26/4, Giám đốc điều hành Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), ông Yuri Borisov, cho hay tàu kéo vũ trụ hạt nhân Zevs của nước này sẽ tham gia vào dự án chung giữa Nga và Trung Quốc xây dựng trạm khoa học trên Mặt Trăng.

Tàu kéo Zevs là một trong nhiều sản phẩm sẽ hỗ trợ các nhà khoa học trong việc mở rộng lên Mặt Trăng, bằng cách giúp đưa các vật thể lớn từ quỹ đạo gần Trái Đất đến quỹ đạo Mặt Trăng. Tàu Zevs có thể sẽ triển khai trong thực tế vào năm 2030.

Hôm 16/4, Trung Quốc cũng đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh-4B mang theo vệ tinh khí tượng mới vào không gian. Tên lửa được phóng đi từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, nhanh chóng đưa vệ tinh Phong Vân-3 07 vào quỹ đạo định sẵn.

Vệ tinh Phong Vân-3 07 sẽ cung cấp các dịch vụ dự báo thời tiết, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục