Trung Quốc quản lý chặt việc hiến tặng nội tạng

Hàng năm Trung Quốc có hàng triệu bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng, nhưng chỉ một số ít được phẫu thuật do cung không đủ cầu.
Hàng năm tại Trung Quốc có hàng triệu bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng, chủ yếu là thận và gan nhưng chỉ một số ít trong tổng số bệnh nhân này được tiến hành phẫu thuật do cung không đủ cầu.

Người Trung Quốc xuất phát từ quan niệm truyền thống “chết phải toàn thây”, cho nên rất nhiều người không thể chấp nhận khái niệm “hiến tạng”.

Hiện nay, mỗi năm Trung Quốc có khoảng 1,3 triệu bệnh nhân có nhu cầu được ghép thận hoặc gan, thế nhưng trong vòng 6 năm qua, cả nước mới chỉ có 130 người tự nguyện hiến tạng sau khi chết, khiến cho không ít bệnh nhân không đợi được tạng phù hợp để ghép đã chết.

Phó chủ nhiệm “Ủy ban cấy ghép tạng người” thuộc “Hiệp hội y học Trung Hoa”, Trần Đông Hoa cho biết từ năm 2003 đến nay, cả nước mới chỉ có 130 người hiến tặng tạng sau khi chết, bình quân mỗi năm chỉ có 20 người.

Mới đây, phát biểu bên lề “Hội nghị toàn quốc về công tác hiến tặng tạng người” tổ chức tại Thượng Hải (25/8), Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, Hoàng Khiết Phu cho biết, hiện nay có khoảng 65% trong tổng số người hiến tặng tạng để cấy ghép là tử tù. Đây là lần đầu tiên quan chức Trung Quốc tiết lộ về tình trạng nguồn tạng người cấy ghép tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Hoàng Khiết Phu cho rằng tử tù tuyệt đối không phải là nguồn thích hợp cung cấp tạng người để cấy ghép. Quyền lợi của tử tù cần được tôn trọng và chỉ trước khi thi hành án, tử tù ký cam kết hiến tặng tạng mới được phép lấy tạng của tử tù. Thế nhưng, không ít người nhằm mưu lợi, coi trọng đồng tiền mà xem nhẹ luật pháp, lấy trộm tạng của tử tù để đem bán.

Thứ trưởng Hoàng Khiết Phu cho rằng nếu như những người đột tử vì tai nạn giao thông, tai biến mạch máu não chỉ cần từ 2 - 10% di thể trong số đó hiến tặng tạng, sẽ có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu cấy ghép tạng của bệnh nhân tại Trung Quốc. Thế nhưng hiện nay, nguồn cung cấp tạng người này tại Trung Quốc vẫn đang là con số không.

Báo chí Trung Quốc đưa tin khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra một số bệnh viện tại Trung Quốc có dấu hiệu tiến hành cấy ghép tạng trái phép, đã sơ bộ phát hiện có 16 bệnh viện liên quan đến vi phạm quy định. Trong đó có 3 bệnh viên đã bị xử lý.

Ngoài ra, báo chí Nhật Bản tiết lộ trước đây từng có 17 người Nhật Bản, từ 45 - 65 tuổi, sang Trung Quốc với danh nghĩa du lịch. Những thực tế là mỗi người bỏ ra khoảng 600.000 NDT (khoảng 1,5 tỷ đồng) để tiến hành phẫu thuật ghép tạng tại một bệnh viện ở Quảng Châu.

Năm 2007, Trung Quốc ban hành “Điều lệ ghép tạng người”, trong đó nêu rõ cấm buôn bán tạng người, đồng thời quy định tạng cấy ghép chỉ hạn chế lấy ở vợ (chồng), người trong gia đình (cùng huyết thống) và những người có quan hệ thân thiết với bệnh nhân.

Thế nhưng do nguồn cung cấp tạng cho các ca cấy ghép tạng thiếu nghiêm trọng so với nhu cầu, cho nên đã hình thành những đường dây mua bán tạng người phi pháp. Bộ Y tế Trung Quốc thừa nhận từng phát hiện được “văn kiện” giả tạo môi giới mua bán tạng người phi pháp. Ngoài ra, do nhu cầu lớn nên đã xuất hiện tham nhũng trong cung cấp và tranh cãi về phân phối tạng người.

Trước tình trạng khoảng cách cung-cầu tạng người ngày càng nghiêm trọng, nảy sinh nhiều tiêu cực trong lĩnh vực cấy ghép tạng người, các nhà chuyên môn đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cần nhanh chóng thiết lập “nguồn” cung cấp tạng người vừa phù hợp với tình hình Trung Quốc, vừa được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, Hoàng Khiết Phu, nhằm giải quyết tranh cãi về nguồn cung cấp và phân phối không công bằng tạng cấy ghép cũng như giải quyết những vấn đề tiêu cực trong lĩnh vực này, tới đây Trung Quốc sẽ khởi động hệ thống công tác quản lý hiến tặng tạng cấy ghép. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm tại hơn 10 tỉnh thành, trong đó có Thượng Hải, Quảng Đông và Thiên Tân.

Theo đó, Bộ Y tế Trung Quốc cùng với hội Chữ Thập đỏ Trung Quốc thành lập “Ủy ban hiến tặng tạng người”, quản lý thống nhất công tác hiên tặng và cấy ghép tạng.

Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, “Ủy ban hiến tặng tạng người” sẽ quản lý thống nhất quản lý nguồn cung cấp tạng và tiến hành phân phối. Đồng thời ngoài việc khuyến khích hiến tặng tạng sau khi chết, Ủy ban này sẽ cung cấp trợ cấp kinh tế nhất định cho người thân của những người hiến tặng tạng.

Thứ trưởng Hoàng Khiết Phu cho rằng cấy ghép tạng không nên trở thành đặc quyền của người giàu. Trung Quốc sẽ thiết lập hệ thống hiến tặng và cấy ghép tạng người phù hợp với nguyên tắc luân lý quốc tế, nhằm giải quyết vấn đề buôn bán tạng người phi pháp hiện nay./.
Bùi Xuân Tuấn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục