Trung Quốc sáp nhập doanh nghiệp nhà nước để nâng sức cạnh tranh

Tập đoàn Công nghiệp nhẹ Trung Quốc, Tập đoàn Mỹ nghệ và Mỹ thuật Trung Quốc sẽ được sáp nhập để trở thành các công ty con hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Bảo Lợi Trung Quốc.
Trung Quốc sáp nhập doanh nghiệp nhà nước để nâng sức cạnh tranh ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn thông tin từ Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc ngày 21/8 cho biết chính phủ nước này đã phê chuẩn quyết định tái cơ cấu 3 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương.

Theo quyết định này, Tập đoàn Công nghiệp nhẹ Trung Quốc (Sinolight), Tập đoàn Mỹ nghệ và Mỹ thuật Trung Quốc (CNACGC) sẽ được sáp nhập để trở thành các công ty con hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Bảo Lợi Trung Quốc (Poly Group).

Sau khi sáp nhập, Sinolight và CNACGC sẽ không còn nằm dưới quyền giám sát và quản lý trực tiếp của SASAC.

Với quyết định nói trên, số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương của Trung Quốc hiện nay sẽ giảm xuống còn 99 doanh nghiệp, thấp hơn rất nhiều so với con số 196 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương vào năm 2003.

[Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc mua lại công ty dược phẩm Gland]

Mục tiêu dài hạn của SASAC là cắt giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương xuống còn dưới 100 doanh nghiệp để phục vụ cho chiến lược thúc đẩy tái cơ cấu và cải cách nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Kể từ cuối năm 2012, Trung Quốc đã hoàn thành công tác sáp nhập 30 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương.

Sinolight, được thành lập sau cuộc sáp nhập của 3 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương, chuyên phát triển các loại nguyên liệu thô và sản phẩm phục vụ lĩnh vực công nghiệp nhẹ.

Còn CNACGC, được thành lập dưa trên sự sáp nhập của hai doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các loại vật liệu mỹ thuật và mỹ nghệ.

Poly Group là doanh nghiệp nhà nước lớn trực thuộc trung ương của Trung Quốc, nằm trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu của Fortune, hoạt động trong một loạt lĩnh vực như thương mại quốc tế, bất động sản, văn hóa, sản xuất vật liệu nổ dân dụng và đầu tư khai thác tài nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục