Trung Quốc sẽ "giải phóng" châu Phi khỏi sự phụ thuộc vào USD?

Các khoản cho vay ngày càng tăng của Trung Quốc đối với châu Phi đang làm dấy lên những quan ngại về một đợt khủng hoảng nợ giống như những gì đã xảy ra vào đầu thế kỷ này.
Trung Quốc sẽ "giải phóng" châu Phi khỏi sự phụ thuộc vào USD? ảnh 1Đồng tiền giấy 100 USD Mỹ (phía trước) và đồng 100 Nhân dân tệ (phía sau) tại một ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 13/8 có bài phân tích cho rằng bằng cách gia tăng ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ, Trung Quốc có thể trở thành nhân tố mới thúc đẩy toàn cầu hóa.

Nội dung như sau:

Với hỗ trợ của các thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) khác là Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, liệu Trung Quốc có thể lật đổ vị trí thống trị toàn cầu của đồng đô la Mỹ (USD) và thay bằng đồng nhân dân tệ? Và nếu điều đó xảy ra, vị thế toàn cầu của đồng nhân dân tệ liệu có giúp các nước châu Phi thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của "đồng bạc xanh"?

Trung Quốc đang mở rộng phạm vi và mức độ ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ thông qua giao dịch hoán đổi tiền tệ, đặc biệt là với nhiều nước châu Phi.

Mới đây nhất, Nigeria đã giao dịch hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc lượng hàng hóa tương đương 2,4 tỷ USD. Đối với Nigeria, hoán đổi tiền tệ giống như phao cứu sinh, bởi dự trữ USD của nước này giảm nghiêm trọng trong khi đồng nội tệ naira mất giá sâu so với đồng USD từ năm 2015 khi giá dầu sụt giảm. Tuy nhiên, hoán đổi tiền tệ chỉ là giải pháp tạm thời với Nigeria, bởi một khoản vay, dù bằng bất kỳ loại tiền tệ nào, vẫn là một khoản vay và phải được hoàn trả.

Các khoản cho vay ngày càng tăng của Trung Quốc đối với châu Phi đang làm dấy lên những quan ngại về một đợt khủng hoảng nợ giống như những gì đã xảy ra vào đầu thế kỷ này.

Về phía Trung Quốc, lợi ích của việc cho vay và giao dịch hoán đổi tiền tệ vẫn chưa rõ ràng. Tất nhiên, Nigeria chắc chắn sẽ mua 2,4 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là ngoại trừ dầu mỏ, Trung Quốc có thể muốn mua gì từ Nigeria. Và Trung Quốc đối mặt với nguy cơ thu được ít hơn những gì nước này đã đầu tư bởi khả năng cao là đồng tiền của những đối tác mà cường quốc này đã hoán đổi sẽ mất giá.

Với tham vọng thúc đẩy đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, mục tiêu chính của Bắc Kinh dường như mang tầm chiến lược hơn là liên quan đến thương mại. Năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết định thêm đồng nhân dân tệ vào nhóm các đồng tiền dự trữ của thế giới trong giỏ tiền tệ của IMF, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Trung Quốc cũng đang thúc đẩy vị thế của đồng nội tệ thông qua việc gây áp lực đối với nhiều nước nhằm tài trợ bằng đồng nhân dân tệ cho các dự án phát triển dọc theo Con đường tơ lụa hiện đại của nước này vốn được biết đến với tên gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) kết nối Trung Quốc với Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập dựa trên sáng kiến của Trung Quốc và có sự tham gia của 86 nước cũng tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ.

BRICS, gồm nhiều nền kinh tế lớn, đã gián tiếp trở thành trợ lực đối với tham vọng của Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển mới của BRICS (NDB) sẽ sớm phát hành trái phiếu đợt thứ hai bằng đồng nhân dân tệ và trái phiếu khác bằng đồng nội tệ của các thành viên BRICS. Thông qua các trái phiếu này, NDB có thể cho vay đối với những dự án phát triển của các thành viên BRICS bằng chính đồng nội tệ của từng nước và bỏ qua đồng USD.

Phó Chủ tịch NDB Leslie Maasdorp cho biết không giống như các ngân hàng phát triển và ngân hàng quốc tế khác, việc NDB cho các nước thành viên vay bằng chính đồng nội tệ của nước đó đã giúp loại trừ các rủi ro về trao đổi ngoại hối đối với các nước đi vay, bởi bên vay phải trả nợ bằng USD, có thể theo tỷ giá thấp hơn. Đối với các nước đang phát triển, NDB được xem như một sự thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB).

BRICS cũng đã xây dựng phiên bản riêng của IMF được gọi là Quỹ Dự trữ dự phòng (CRA). Mô phỏng cơ chế hoạt động của IMF đối với các thành viên, CRA đảm bảo mạng lưới an toàn tài chính cho các thành viên BRICS trong trường hợp nước thành viên đối mặt với nguy cơ cạn kiệt dự trữ ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu.

[Không phải cuộc chiến thương mại, Trung Quốc cấp bách nhất vấn đề nào?]

Ngày 13/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SADB - ngân hàng trung ương) Daniel Mminele khẳng định CRA đã sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên. Phó Thống đốc Mminele cho biết Bắc Kinh không giấu giếm tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ - đó là lý do tại sao cường quốc châu Á này đã nỗ lực như vậy để đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ của IMF cũng như thúc đẩy thương mại và phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.

Công ty Swift, chuyên về thực hiện các giao dịch liên ngân hàng quốc tế, đánh giá Trung Quốc cũng đang nỗ lực để giành được nhiều hơn các thỏa thuận mua dầu bằng đồng nhân dân tệ. Nga đã đồng ý với đề xuất trên của Trung Quốc và Saudi Arabia có thể cũng sẽ chấp thuận - một cú hích lớn đối với tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Riêng với Nga, tránh được thanh toán bằng USD nghĩa là nước này tránh được các trừng phạt tài chính của Mỹ.

Chiến lược của Trung Quốc càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tái áp đặt trừng phạt đối với Iran bằng việc nghiêm cấm các công ty có các giao dịch thương mại với Tehran thông qua đồng USD.

Tuy nhiên, Mminele đánh giá sẽ là “hơi cường điệu nếu cho rằng vào thời điểm hiện nay đồng nhân dân tệ có thể thay thế đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu.”

Ngoài ra, cả Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Nam Phi Mminele và Phó Chủ tịch NDB Maasdorp đều bác bỏ ý kiến cho rằng BRICS muốn thay thế WB, IMF bằng các thể chế tương ứng của nhóm là NDB, CRA hay thay thế đồng USD bằng đồng nhân dân tệ.

Maasdorp cho biết NDB sẽ tiếp tục cho vay bằng đồng USD. Trong khi đó, Mminele khẳng định mục tiêu của NDB và CRA đơn giản là đa dạng hóa các lựa chọn vay vốn đối với các thành viên BRICS và do đó sẽ mang tính chất bổ sung đối với WB và IMF, đồng thời tự CRA không bao giờ có thể giải quyết được các khủng hoảng tài chính lớn mà cần phối hợp với IMF.

Do đó, dường như không phải Trung Quốc đang cạnh tranh với WB và IMF mà đang tăng cường hợp tác với 2 thể chế này, cũng như cố gắng gia tăng ảnh hưởng đối với WB và IMF. Điều này có vẻ phù hợp với mục tiêu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hướng tới nhằm thay thế một nước Mỹ biệt lập và đơn phương bằng một nước Trung Quốc như nhân tố thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa.

Các giao dịch hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc sẽ giúp châu Phi và các quốc gia khác, đặc biệt là những nước có tiền tệ biến động mạnh, giảm thiểu - chứ không phải là chấm dứt - sự phụ thuộc vào đồng USD. Phần lớn các loại tiền tệ sẽ được quy đổi qua USD, trái phiếu vẫn chủ yếu được phát hành bằng USD và hầu hết các khoản vay vẫn được thực hiện thông qua "đồng bạc xanh."

Maasdorp ước tính rằng chỉ từ 3-5% của toàn bộ các giao dịch ngoại hối trên thế giới hiện nay tiến hành qua đồng nhân dân tệ trong khi khoảng 75% lượng giao dịch vẫn thực hiện bằng USD. Do đó, USD vẫn sẽ đồng tiền tham chiếu chính trong thời gian dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục