Trung Quốc sẽ thay đổi cách hành xử ngoại giao trong năm 2015?

Sự thay đổi thái độ của Trung Quốc vẫn có tác động quan trọng với châu Á, nơi vũ trang được tăng cường trước hành xử lâu nay của Bắc Kinh.
Trung Quốc sẽ thay đổi cách hành xử ngoại giao trong năm 2015? ảnh 1Quần đảo tranh chấp trên biển Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo India Today vừa đăng bài viết của tác giả Manoj Joshi với nhận định rằng năm 2014, Bắc kinh đã thể hiện vị thế và mức độ tự tin mới khi tăng cường ảnh hưởng mạnh mẽ ở cả trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, trong năm 2015 quốc tế có thể chứng kiến một số thay đổi trong cách hành xử của Bắc Kinh trong quan hệ láng giềng.

Trung Quốc ngày càng nhận thấy rằng chính sách của họ đã làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng. Ấn Độ đã lên tiếng mạnh mẽ về các vụ "xâm nhập" của Trung Quốc vào các khu vực dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) mà New Delhi cho rằng thuộc về Ấn Độ.

Tháng 4/2013, binh sỹ Trung Quốc đã xâm nhập khu vực Depsang và trong tháng 9/2014 xâm nhập khu vực Chumur. Các vụ xâm nhập của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã gây căng thẳng đối đầu ngay trong thời gian diễn ra các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Ấn Độ.

Trung Quốc và Nhật Bản cũng xảy ra tình trạng đối đầu nhiều lần ở ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập "Vùng nhận diện phòng không" (ADIZ) xung quanh vùng trời của khu vực này.

Tại Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu áp đặt uy quyền bằng cách ra lệnh cấm đánh bắt cá trong những khu vực mà họ tuyên bố là "Vùng đặc quyền kinh tế" (EEZ).

Trung Quốc đã đẩy Philippines ra khỏi Scarborough Shoal (bãi Cạn) và tăng cường sự hiện diện quân sự tại đó. Trung Quốc cũng bắt đầu xây dựng các đảo tại các bãi tranh chấp để tăng cường yêu sách về chủ quyền.

Những diễn biến trên khiến các nước trong khu vực phải "tìm kiếm" sự giúp đỡ của Mỹ, theo đó Washington đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực, dẫn tới các vụ đối đầu nghiêm trọng giữa tàu và máy bay Mỹ với Trung Quốc.

Do đó, hiện nay Trung Quốc có vẻ đang cố gắng giảm hành động hống hách và khiêu khích mặc dù vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách đối ngoại "với màu sắc Trung Quốc."

Có lẽ Bắc Kinh muốn bảo đảm rằng chính sách này sẽ không tạo cho đối thủ cơ hội để xây dựng "hàng rào" bao quanh họ. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc có ý định thay đổi phong cách ngoại giao, cũng như sử dụng những khoản tiền mặt lớn để lôi kéo bạn bè và gây ảnh hưởng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc muốn được coi là nước lớn giống như Mỹ, không chỉ bị thế giới e sợ, mà còn được thế giới tin cậy và cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực.

Do đó, bên lề Hội nghị cấp cao APEC đầu tháng 11/2014, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước khi hai bên nhất trí về một "kế hoạch 4 điểm" nhằm giảm căng thẳng, tăng cường đối thoại và thiết lập các cơ chế xử lý khủng hoảng.

Trung Quốc cũng đã ký kết 2 thỏa thuận xây dựng lòng tin quân sự quan trọng với Mỹ. Một thỏa thuận tạo cơ chế báo tin cho nhau về các hoạt động của mình, trong đó có các cuộc tập trận quân sự. Thỏa thuận thứ hai đề ra các quy tắc ứng xử trong những trường hợp "chạm trán" trên biển và trên không.

Bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2014, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố tại hội nghị các giám đốc điều hành (CEO) rằng đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc sẽ chiếm tỷ lệ 1:2 trong số 5 nghìn tỷ USD đầu tư của Trung Quốc trong 10 năm; Trung Quốc sẽ nhập khẩu 10 nghìn tỷ USD hàng hóa trong 5 năm tới và 500 triệu du khách Trung Quốc sẽ ra nước ngoài.

Nói ra điều này, ông Tập Cận Bình có vẻ muốn hàm ý rằng "quan hệ tốt với Trung Quốc sẽ cùng nhau có lợi."

Theo tính chất này, Bắc Kinh đang tìm cách liên kết lợi ích của các quốc gia láng giềng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và thuyết phục rằng "điều đó (sự trỗi dậy) không phải là mối đe dọa."

Không có ngụ ý nào trong chính sách này cho thấy Trung Quốc sẽ ngay lập tức giảm sự quyết đoán hoặc từ bỏ cái mà họ gọi là "những lợi ích cốt lõi" về kiểm soát Tây Tạng và Tân cương, tái thống nhất Đài Loan và những vụ việc mới đây như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, song có thể có dấu hiệu về sự thay đổi ngày càng rõ hơn trong cách xử lý của Bắc Kinh đối với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng như về bất đồng biên giới với Ấn Độ.

Sự thay đổi thái độ của Trung Quốc, dù có động cơ và mưu lợi, vẫn có tác động quan trọng đối với châu Á, nơi vũ trang đang được tăng cường do cách hành xử lâu nay của Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục