Trung Quốc tài trợ cho dự án khai hoang 1 triệu mẫu ở Ai Cập

Ai Cập đã ký kết hợp đồng với một công ty Trung Quốc nhằm tài trợ cho các cơ sở hạ tầng thuộc dự án khai hoang "một triệu mẫu Anh."
Trung Quốc tài trợ cho dự án khai hoang 1 triệu mẫu ở Ai Cập ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: trip.me)

Truyền thông Ai Cập ngày 14/7 dẫn lời Bộ trưởng Nhà cửa Mostafa Madbouly cho biết nước này đã ký kết hợp đồng với một công ty Trung Quốc nhằm tài trợ cho các cơ sở hạ tầng thuộc dự án khai hoang "một triệu mẫu Anh."

Hồi tháng Năm vừa qua, Bộ Nhà cửa Ai Cập đã ký kết bản ghi nhớ với một công ty Trung Quốc để tiến hành các nghiên cứu khả thi cần thiết, cung cấp nguồn vốn tài trợ và giám sát việc phát triển dự án khai hoang nói trên.

Đây là một trong những dự án lớn đang được chính quyền của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi triển khai với mục tiêu cải tạo các vùng sa mạc rộng lớn, thúc đẩy sự phát triển bền vững và xây dựng các cộng đồng liên kết có thể sống dựa vào nông nghiệp.

Trước đó, tại Hội nghị Phát triển Kinh tế được tổ chức vào tháng 3/2015 tại thành phố nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh, Chính phủ Ai Cập và 26 công ty đã ký kết các thỏa thuận và nghị định thư hợp tác nhằm khai hoang 670.000 mẫu Anh (188.000ha).

Trong số đó, 200.000 mẫu sẽ được cấp cho 16 công ty trong nước và 470.000 mẫu dành cho 10 công ty đến từ các quốc gia Arab.

Tiếp đó, vào tháng Tư, Nội các Ai Cập đã quyết định tập trung dự án "Một triệu mẫu Anh" tại vùng Thượng sông Nile và vùng sa mạc phía Tây.

Trong số một triệu mẫu Anh dự kiến được khai hoang, 420.000 mẫu sẽ được triển khai tại phía Tây tỉnh Minya và 116.000 mẫu xung quanh ốc đảo Farafra thuộc tỉnh Wadi El-Gedid.

Địa điểm thứ ba được ưu tiên là khu vực Toshka ở vùng Thượng Ai Cập, khu vực từng là là tâm điểm của một đại dự án nông nghiệp hết sức tham vọng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Theo số liệu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào năm 2012, đất canh tác chỉ chiếm khoảng 3,6% diện tích quỹ đất của Ai Cập và chủ yếu phân bố tại khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile.

Hiện 90 triệu dân nước này vẫn phải sống phụ thuộc vào các nguồn lương thực nhập khẩu.

Ai Cập là quốc gia nhập khẩu nhiều lúa mỳ nhất thế giới, với tổng cộng hơn 5 triệu tấn trong cả năm tài chính 2013-2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục