Trung Quốc tấn công hoạt động đầu cơ hàng hóa

Trung Quốc tập trung tấn công vào hoạt động đầu cơ hàng hóa khi quốc gia này phải đối mặt với cuộc chiến lạm phát đầy cam go.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng số ra mới đây, Trung Quốc đang tập trung tấn công vào hoạt động đầu cơ hàng hóa, trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới này phải đối mặt với cuộc chiến lạm phát đầy cam go.

Tuần qua, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã liên tục yêu cầu các ban ngành, cơ quan chức năng địa phương "điều tra và trừng phạt nghiêm khắc các hoạt động đầu cơ," nguyên nhân được cho là khiến giá hàng hóa tăng chóng mặt.

Trong một nỗ lực ngăn chặn đầu cơ nông sản, Chính phủ Trung Quốc đã tăng phí giao dịch đối với các hợp đồng nông sản và kim loại kỳ hạn.
 
Lạm phát ở Trung Quốc trong tháng 10/2010 đã vọt lên 4,4%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 25 tháng qua và nổi bật là tình trạng giá thực phẩm leo thang.

Cuộc chiến chống lạm phát càng phức tạp hơn khi hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang dư thừa thanh khoản, trong khi Mỹ lại tiếp tục nới lỏng tín dụng qua việc bơm một lượng tiền lớn vào lưu thông.

Các nhà phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một lượng tiền lớn có thể bị dùng để đầu cơ hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa có nguồn cung hạn chế.

NDRC cho biết đã phát hiện “một số lượng tiền đầu cơ” đằng sau những hoạt động "lừa đảo, âm mưu, làm giá và tích trữ" hòng thao túng giá nông sản và các hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian gần đây.

Theo NDRC, đầu cơ là thủ phạm khiến giá đỗ xanh, dầu diezel và bông tăng mạnh trong năm nay.

Tuần qua, NDRC cũng đã nêu tên sáu công ty vi phạm bán giá dầu điêden cao hơn mức trần quy định, trong đó có cả những đơn vị địa phương của các tập đoàn quốc doanh hùng mạnh là Sinopec và PetroChina.

Đầu tuần trước, Bắc Kinh đã cấm hoạt động tích trữ dầu và than. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng công bố một loạt giải pháp như cố gắng tăng cường nguồn cung rau xanh, trợ cấp thu nhập cho người nghèo, ổn định giá khí đốt, quản lý việc thu mua bông và ngô.

Ngoài ra, chính phủ còn tuyên bố sẵn sàng kiểm soát trực tiếp giá các nhu yếu phẩm tiêu dùng chủ chốt nếu cần thiết.

Wang Tao, chuyên gia kinh tế tại UBS Securities nhận xét các biện pháp của Bắc Kinh cho đến giờ là "vừa phải và tập trung" nhằm "kiềm chế đầu cơ và sự căng thẳng của khu vực hộ gia đình trong ngắn hạn."

Theo chuyên gia này, Chính phủ Trung Quốc không coi tình trạng lạm phát tiêu dùng là một dấu hiệu của tăng cầu vượt mức: "Vì vậy, khó có khả năng Trung Quốc sẽ thắt chặt mạnh mẽ các chính sách vĩ mô và tiền tệ."

Wang Tao dự đoán Bắc Kinh sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay và thêm 75 điểm nữa trong năm tới, nâng tỷ lệ dự trữ quy định của các ngân hàng thêm vài lần và đặt mục tiêu cho vay ngân hàng ở mức khoảng 6.500-7.000 tỷ NDT cho năm 2011, so với mục tiêu 7.500 tỷ NDT năm 2010.

Nhận định về khả năng kiểm soát trực tiếp giá tiêu dùng, Wang Tao cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không mạnh tay như vậy vì hầu hết các mặt hàng thực phẩm chủ yếu và các nguyên liệu đầu vào chính của sản xuất chưa tăng giá đến mức cần kiểm soát chặt.

Đồng thời, kinh nghiệm từ kiểm soát giá dầu năm 2007 và 2008 cho thấy kiểm soát cũng không phải là giải pháp thích đáng.

Giới phân tích nhận xét: với một loạt “vũ khí”, từ các công cụ tiền tệ cho đến những can thiệp thị trường vi mô, Trung Quốc sẽ có thể giải quyết hiệu quả vấn đề lạm phát trước mắt. Các nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ ở mức 5,5% năm 2011 và giảm xuống 3% trong năm 2012 và 2013./.

Trung Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục