Trung Quốc tạo chuột vô tính từ tế bào da

27 con chuột vô tính được giới khoa học Trung Quốc tạo ra từ việc sử dụng các tế bào da và chúng đã sinh được 200 “hậu duệ”.
27 con chuột vô tính được giới khoa học Trung Quốc tạo ra từ việc sử dụng các tế bào da và chúng đã sinh được 200 “hậu duệ”.

Thành tựu này được xem là bước đột phá cực kỳ quan trọng trong hoạt động nghiên cứu tế bào gốc.

Không cần tới trứng để cấy phôi

Công trình kể trên của Trung Quốc vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature nổi tiếng. Dưới sự chỉ đạo của nhà khoa học Qi Zhou ở Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhóm nghiên cứu đã tạo ra những con chuột vô tính từ tế bào da của con chuột trưởng thành.

Sau khi tách tế bào da thành công, thông qua phương pháp tái lập trình 4 gen quan trọng nhờ sử dụng virus, các nhà khoa học đã biến nó thành dạng tế bào gốc đa năng (iPS). Có tổng cộng 37 tế bào iPS khác nhau đã được tạo ra.

Giới khoa học vẫn biết rằng tế bào iPS có khả năng biến đổi thành nhiều dạng tế bào khác nhau như máu, da và cơ. Nhưng trước khi có công trình nghiên cứu của Trung Quốc chúng chưa từng được thử nghiệm về tính linh hoạt, tức khả năng biến đổi để trở thành một cơ thể sống. Nhằm biến tế bào iPS thành phôi, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật chuyển phôi blastocyte.

Phôi sau đó được cấy vào cơ thể con chuột cái để nó sinh ra chuột vô tính. Tổng cộng có 27 con chuột được tạo ra từ kỹ thuật mới và được đặt tên Tiểu Tiểu.

Tiếp đó chúng lớn lên rồi sản sinh ra 200 “hậu duệ”. Phần lớn số chuột này không gặp trục trặc về sức khỏe. Con chuột già nhất sống được 9 tháng còn con chuột non nhất thuộc tế hệ thứ 3 sống được 2 tháng.

Điều đáng chú ý là khi nhân bản vô tính chuột và một số động vật có vú các nhà khoa học thường sử dụng kỹ thuật cấy DNA từ tế bào trưởng thành vào một quả trứng rỗng để tạo phôi. Nhưng nay kỹ thuật mới không cần dùng tới trứng nữa.

"Bài báo đăng trên Nature cho thấy tế bào chuột có thể được tái lập trình để chứa trong nó các đặc tính của một tế bào phôi gốc. Tế bào này có đủ khả năng để hình thành một con chuột hoàn chỉnh", Giáo sư Ernst Wolvetang, một chuyên gia về tế bào gốc ở Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Nano Australia, đánh giá.

Giáo sư Robin Lovell-Badge, một chuyên gia ở Viện nghiên cứu Y khoa của Anh, cũng đánh giá rất cao công trình nghiên cứu của Trung Quốc, cho đó là bước đột phá lớn.

Cuộc tranh cãi chưa dứt

Thành công của Trung Quốc có nghĩa là lần đầu tiên nhân loại có thể sử dụng một tế bào trưởng thành bình thường để phát triển thành một cơ thể hoàn chỉnh.

Về lý thuyết, giờ đây người ta có thể tạo ra bản sao của ai đó nếu vô tình lấy được tế bào da của người này. Tuy nhiên những người như giáo sư Badge tin rằng kết quả nghiên cứu của Trung Quốc chưa thể áp dụng ngay cho con người. Ông cũng nghi ngờ khả năng tế bào iPS người có thể phát triển thành phôi nếu chỉ dựa vào kỹ thuật blastocyte như chuột. “Nghiên cứu này không liên hệ trực tiếp với các tế bào gốc đa năng của con người", ông nói.

Bản thân các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã bác bỏ khả năng nhân bản người. Họ nhấn mạnh tới những lợi ích mà kỹ thuật mới mang lại. "Chúng tôi tin rằng sự biến hóa linh hoạt của tế bào iPS trên loài chuột sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp.

Nghiên cứu này sẽ được sử dụng để tìm hiểu nguồn gốc bệnh tật và dẫn tới các phương thức trị bệnh mới làm bệnh nhân bớt đau đớn" - bà Fanyi Zeng, một chuyên gia ở Viện nghiên cứu gene di truyền Thượng Hải và là thành viên nhóm nghiên cứu, nói.

Theo các chuyên gia, nếu công nghệ này được ứng dụng lên con người, nó sẽ mở ra cơ hội nhân bản tế bào gốc từ một cơ thể để chữa trị các căn bệnh nguy hiểm như Parkinson, bại liệt và tiểu đường.

Năm 2006, người ta đã tìm ra phương thức biến đổi tế bào trưởng thành ra tế bào iPS. Dù giới nghiên cứu đã dần chấp nhận iPS, họ vẫn nghi ngờ khả năng biến đổi của nó có thể không mạnh bằng tế bào gốc phôi. Song theo tiến sĩ Konrad Hochedlinger ở Đại học Harvard, nghiên cứu của Trung Quốc đã xóa tan nghi ngờ này.

Mặc dù vậy, các cuộc tranh cãi xung quanh hoạt động nghiên cứu tế bào gốc vẫn chưa chấm dứt. Đã xuất hiện những ý kiến lo ngại về việc một số nhà khoa học biến chất có thể sử dụng thành tựu mới để nhân bản người, tạo ra những đứa trẻ được thiết kế gen “theo đơn đặt hàng” và nhiều chuyện phi đạo đức khác.

"Cuộc chiến tranh văn hóa chưa thể kết thúc" - Jonathan D. Moreno, một nhà đạo đức sinh học ở Đại học Pennsylvania nhận xét - "Có quá nhiều người đã vội vàng cho rằng sự thành công của tế bào iPS sẽ kết thúc những cuộc tranh cãi về vấn đề đạo đức. Nhưng thực tế các ý kiến tranh luận trước đây sẽ biến thành những cuộc chiến về tư tưởng với mức độ phức tạp, rắc rối còn lớn hơn trước gấp bội"./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục