Trung Quốc: Thai phụ đẻ non vì môi trường ô nhiễm

Vấn đề ô nhiễm môi trường và những đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe đã gây ra các cuộc biểu tình ở nhiều nơi tại Trung Quốc.
Khi gió nổi lên ở khu ngoại ô Tùng Giang (Songjiang), thành phố Thượng Hải, người dân có thể ngửi thấy những mùi hôi thối nồng nặc từ một bãi rác khổng lồ gần đó, đáng ghê tởm đến mức khiến nhiều người nôn mửa và gây ra tình trạng thai phụ đẻ non, theo AFP. Các cư dân ở Songjiang hiện rất bức xúc về bãi rác này và một cuộc biểu tình đã nổ ra, một trong hàng loạt những cuộc biểu tình gần đây ở Trung Quốc khi người dân yêu cầu chính quyền trả lời cho những vấn đề về môi trường và y tế. “Tất cả rác ở Songjiang đổ về đây”, Chen Chunhui, một người lớn lên gần khu bãi rác, nói. “Đây là khu dân cư, nên người dân rất bức xúc. Họ nói nếu mà cứ ngửi mùi này thì con cái sẽ ốm đau suốt ngày.” Hàng trăm người đã xuống đường vào cuối tháng 5 và hàng chục người khác vào đầu tháng 6 để phản đối, những vụ biểu tình được cho là lớn nhất ở Thượng Hải kể từ năm 2008, khi hàng trăm người biểu tình phản đối việc mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc trong thành phố khiến chính quyền phải ngưng dự án vĩnh viễn. Những người biểu tình ở Songjiang, hầu hết còn trẻ, có học và không nhất thiết là người Thượng Hải bản địa, tuyên bố kế hoạch xây một nhà máy xử lý rác ở khu này sẽ thải ra những khí độc và chỉ trích sự thiếu minh bạch của chính quyền trong dự án. “Phản đối nhà máy rác, bảo vệ gia đình chúng tôi,” một người biểu tình khẩu trang nói trong cuộc xuống đường hồi tháng 6, diễn ra dưới sự giám sát của gần 100 cảnh sát. Các quan chức chính phủ tuyên bố hồi tháng Năm rằng Songjiang sẽ xây một nhà máy xử lý rác trị giá 250 triệu nhân dân tệ (40 triệu USD) ở khu vực này. Nhưng người dân nói nhà máy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng trăm nghìn người và yêu cầu nhà chức trách di dời đống rác đã cao tới 17 mét với kích thước bằng sân bóng đá, đi chỗ khác. Ô nhiễm môi trường và những đe dọa về sức khỏe đã gây ra các cuộc biểu tình ở nhiều nơi tại Trung Quốc với sự hỗ trợ của các trang mạng xã hội. Năm ngoái, hàng nghìn người biểu tình đã làm sản xuất gián đoạn tại một nhà máy chế biến pin năng lượng mặt trời gây ô nhiễm ở thành phố miền đông Hải Ninh (Haining), tỉnh Chiết Giang, trong khi các cư dân ở thành phố đông bắc Đại Liên (Dalian), tỉnh Liêu Ninh, đã ngăn cản một dự án nhà máy hóa dầu. Đầu tháng này ở tỉnh tây nam Tứ Xuyên, hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát gần khu dự án một nhà máy kim loại tại thành phố Thập Phương (Shifang) buộc nhà chức trách phải hủy bỏ dự án.
Trung Quốc: Thai phụ đẻ non vì môi trường ô nhiễm ảnh 1
Người dân Thập Phương biểu tình phản đối một dự án xây dựng làm ô nhiễm môi trường (Nguồn: Getty Images)
Trong năm 2010, ở Trung Quốc ước tính xảy ra 180.000 vụ biểu tình hay “các sự cố tụ tập đông người,” theo cách giải thích của nhà chức trách, tăng đều đặn và đáng kể so với những năm 1990. Con số ước tính là của giáo sư xã hội học Sun Liping thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Nhưng cách chính quyền ứng xử đã mềm mỏng hơn, theo lời các chuyên gia. Trong vụ Songjiang, nhà chức trách Thượng Hải cho phép các cuộc biểu tình, nhưng có cảnh sát canh gác nghiêm ngặt. Hồi tháng 5, cảnh sát đã ngăn những người biểu tình đi qua khu làng đại học gần đó do lo sợ sinh viên sẽ tham gia. Trong cuộc biểu tình nhỏ hơn hồi tháng 6, những người tổ chức đã đối thoại và nhà chức trách và hai bên thỏa thuận biểu tình sẽ diễn ra trong trật tự./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục