Trung Quốc: Thặng dư thương mại vẫn đạt kỷ lục

Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 11/11 cho biết nhờ xuất khẩu tăng mạnh, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 10 đã đạt 35,2 tỷ USD, chỉ số trong một tháng cao nhất từ trước đến nay.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 11/11 cho biết nhờ xuất khẩu tăng mạnh, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 10 đã đạt 35,2 tỷ USD, chỉ số trong một tháng cao nhất từ trước đến nay.

Theo trang thông tin điện tử của cơ quan trên, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 19,2%, lên 128,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 15,6%, đạt 93,1 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại trong 10 tháng đầu năm nay của Trung Quốc đã lên đến 216 tỷ USD, cao hơn mức 212,4 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia tài chính cho rằng việc thặng dư thương mại tăng cao có thể gây sức ép buộc nhà chức trách Trung Quốc phải tăng giá đồng Nhân dân tệ (NDT), vốn vẫn giữ giá so với đồng USD kể từ hồi đầu năm.

Cùng ngày, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc thông báo lạm phát trong tháng 10 của Trung Quốc đã được kiềm chế ở mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 chỉ tăng 4%, thấp hơn mức 4,6% của tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2007.

Theo các nhà kinh tế, với việc kiềm chế lạm phát thành công, Chính phủ Trung Quốc giờ đây có thêm điều kiện để triển khai các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ như cắt giảm lãi suất và nới lỏng các quy định về dự trữ ngân hàng.

Trong một thông báo trên mạng ngày 10/11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc để ngỏ khả năng có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, khi cho biết ngân hàng này sẽ thực hiện một chính sách tiền tệ "lãi suất thấp mức độ".
 
Các chuyên gia cho rằng các điều kiện hiện nay rất thuận lợi để thực hiện chính sách trên, khi mà lạm phát của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này đã giảm đáng kể sau khi lên mức cao kỷ lục 8,7% trong tháng hai vừa qua; Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng trên là cần thiết, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã bắt đầu ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục