Trung Quốc thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 12

Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 về phát triển kinh tế-xã hội, nhằm "lái" nền kinh tế Trung Quốc theo con đường phát triển "xanh," công bằng hơn.
Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XI đã thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 về phát triển kinh tế-xã hội, nhằm "lái" nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này theo con đường phát triển "xanh" hơn và công bằng hơn.

Theo kế hoạch này, Trung Quốc cam kết tăng chi cho giáo dục, y tế và nhà ở công cộng, thúc đẩy những sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; tạo ra 45 triệu việc làm ở đô thị trong vòng 5 năm tới, giảm số người sống trong ngưỡng nghèo, tăng thu nhập, tăng lương tối thiểu và lương hưu cơ bản, nâng ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ họp, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Chính phủ sẽ thông qua tiêu chuẩn đánh giá hoạt động mới đối với các chính quyền địa phương và sẽ căn cứ nhiều hơn vào hiệu quả tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và mức sống.

Theo ông Ôn Gia Bảo, "có hai số liệu quan trọng hơn tốc độ tăng trưởng GDP là tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trong GDP."

Trung Quốc đã sử dụng một loạt biện pháp xử phạt hành chính để cố gắng đạt mục tiêu giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP vào cuối năm ngoái so với năm 2005, buộc hàng nghìn nhà máy tiêu thụ nhiều nhiên liệu phải đóng cửa.

Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc sẽ nâng tỷ lệ nhiên liệu "phi hóa thạch" trong mức tiêu thụ năng lượng chủ yếu lên 11,4%, mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP giảm lần lượt 16% và 17% trong 5 năm tới.

Về việc phát triển khu vực phi nhà nước, ông Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc sẽ ban hành những quy định cụ thể hơn để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của khu vực phi nhà nước trong nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành "36 nguyên tắc chỉ đạo mới" hồi tháng 5 năm ngoái để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư vào cơ sở hạ tầng, nhà ở công cộng, dịch vụ công và dịch vụ tài chính, ngoài những lĩnh vực đã mở đối với đầu tư tư nhân theo "36 nguyên tắc chỉ đạo" năm 2005.

Ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh nguyên tắc của Chính phủ nhằm củng cố và phát triển khu vực kinh tế nhà nước, đồng thời hỗ trợ, khuyến khích và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Liên quan đến tỷ giá đồng nhân dân tệ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo bác bỏ việc để đồng nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn so với đồng USD nhưng nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng dần tính linh hoạt tỷ giá hối đoái của đồng tiền này trong khi tính đến những tác động đối với doanh nghiệp và việc làm. Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện cải cách cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ.

Đồng nhân dân tệ đã tăng giá 57,9% so với mức năm 1994. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành ba lần cải cách lớn về cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái.

Đối với vấn đề lạm phát, ông Ôn Gia Bảo cho rằng Trung Quốc có cả lạm phát "nhập khẩu" và lạm phát về cơ cấu. Theo ông, lạm phát hiện nay ở Trung Quốc một phần là do vấn đề toàn cầu.

Một số nước đã và đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng, gây ra sự biến động về tỷ giá hối đoái của một số đồng tiền chủ chốt và giá hàng hóa toàn cầu. Lạm phát cơ cấu là do chi phí lao động và giá hàng hóa thiết yếu tăng.

Ông Ôn Gia Bảo cho biết chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 4,9% trong cả tháng Một và tháng Hai vừa qua. Tuy nhiên, ông khẳng định Chính phủ sẽ kiểm soát được lạm phát bằng ba biện pháp.

Một là tăng sản lượng, đặc biệt là nguồn cung nông sản. Hai là tăng cường phân phối hàng hóa, đặc biệt là hệ thống phân phối hàng nông sản yếu kém. Ba là sử dụng các biện pháp kinh tế và pháp lý để quản lý thị trường./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục