Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung cấp gạo tại ĐBSCL

Thông qua các cấp lãnh đạo của Cần Thơ, doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn tìm kiếm được các nguồn cung cấp gạo phù hợp yêu cầu từ các doanh nghiệp cung ứng tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung cấp gạo tại ĐBSCL ảnh 1Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 8/8, lãnh đạo thành phố Cần Thơ tiếp và làm việc với Đoàn công tác Trung Quốc, do ông Wang Zhi Xi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty lương thực Thái Hương, ở thành phố Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông, đại diện Hiệp hội lương thực Trung Quốc làm trưởng đoàn.

Nội dung buổi làm việc cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Tuy nhiên yêu cầu về chất lượng cũng như quy trình sản xuất nghiêm ngặt cũng được đặt ra trên bàn thương thảo.

Cụ thể, ông Wang Zhi Xi cho biết nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường Trung Quốc hiện rất lớn và có xu hướng ngày càng gia tăng. Riêng tại doanh nghiệp của ông, sản lượng bán hàng cao nhất có thể đạt 800 tấn/ngày, bình quân là 300.000 tấn/năm.

Ngoài ra, xu hướng thị trường tiêu thụ gạo dịch chuyển từ gạo giá rẻ sang gạo chất lượng cao, gạo Organic. Do đó, thông qua các cấp lãnh đạo của Cần Thơ, ông mong muốn tìm kiếm được các nguồn cung cấp gạo phù hợp yêu cầu từ các doanh nghiệp cung ứng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển. Trong năm 2017, thương mại hai chiều đạt 121,3 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm 2016.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 8 trên toàn cầu của Trung Quốc.

[Bài toán của ngành gạo: Nhìn từ chuyện “sốt” IR50404 đến… “ế” nếp]

Riêng với lĩnh vực lúa gạo, năm 2017, quốc gia này nhập khẩu tổng cộng 3,99 triệu tấn gạo, tăng 12,96% so với năm 2016; trong đó, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 2,26 triệu tấn, chiếm 56,72% tổng lượng nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 1,78 triệu tấn gạo và ngũ cốc; trong đó, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam là 850.000 tấn.

Tuy vậy, theo ông Anh, dự báo thời gian tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ khó khăn, khó duy trì được đà tăng trưởng như các năm trước đó. Nguyên nhân là do sự điều chỉnh chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo được Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/7 và sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn gạo xuất khẩu của các quốc gia khác.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ, cho biết hiện thành phố chỉ có bốn doanh nghiệp đáp ứng và được phép xuất khẩu gạo trực tiếp vào Trung Quốc.

Thời gian tới, thành phố sẽ có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo; trong đó, sẽ chú trọng tới việc chuyên nghiệp hóa ngay từ khâu gieo sạ, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, bền vững, cung cấp gạo có chất lượng phù hợp với thỏa thuận về kiểm dịch đối với sản phẩm gạo xuất khẩu được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hình thức thương mại điện tử và xúc tiến thương mại tìm kiếm bạn hàng, đối tác thông qua tham dự các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu gạo, đặc biệt với các sản phẩm có giá trị và thực hiện đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường này cũng như phục vụ việc đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị của Trung Quốc cũng sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục