Trung Quốc tìm nguồn cung sắt từ châu Phi sau căng thẳng với Australia

Các công ty nhà nước và không thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực quặng sắt tại châu Phi để giúp đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung sắt.
Trung Quốc tìm nguồn cung sắt từ châu Phi sau căng thẳng với Australia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: iran-daily)

Theo nhà nghiên cứu và tư vấn kinh tế độc lập - Tiến sỹ Cornelia Tremann, căng thẳng ngoại giao và thương mại Australia-Trung Quốc gia tăng đã dẫn đến việc Bắc Kinh ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Xứ sở Chuột túi.

Tuy nhiên, quặng sắt, sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất từ Australia sang Trung Quốc, may mắn đã nằm ngoài "danh sách đen."

Trong bài viết đăng tải trên trang The Interpreter của Viện Lowy Australia, tác giả Cornelia Tremann cho hay Trung Quốc đã áp đặt thêm các thủ tục nhập khẩu mới, có khả năng làm chậm quá trình vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng quặng sắt xuất khẩu từ Australia sang Trung Quốc vẫn đang tăng lên và một lệnh cấm nhập khẩu đối với mặt hàng này được cho là khó có thể xảy ra, do Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới.

2/3 nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc đến từ Australia, chiếm một nửa số quặng sắt tiêu thụ trong nước. Việc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu vào thời điểm hiện tại sẽ ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang tung ra các gói kích thích tài chính tập trung vào lĩnh vực xây dựng.

Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất thép Trung Quốc phải tăng cường sản xuất và gia tăng nhu cầu đối với quặng sắt.

[Trung Quốc-Australia bước vào cuộc chiến thương mại 2.0?]

Nhưng về lâu dài, trạng thái này có thể thay đổi khi Trung Quốc cân nhắc đa dạng hóa nguồn cung quặng sắt, đặc biệt là tại châu Phi. Đối với Trung Quốc, tranh chấp thương mại cùng Australia diễn ra ngay sau cuộc chiến thương mại với Mỹ, sự gián đoạn trong sản xuất quặng sắt của Brazil và bất ổn kinh tế toàn cầu. Tất cả đã kết hợp lại thành một rủi ro lớn cho việc mạo hiểm đầu tư vào hoạt động thăm dò và sản xuất tại châu Phi.

Lục địa châu Phi có trữ lượng quặng sắt tương tự quy mô của Australia, nhưng phần lớn trong số đó vẫn chưa được khai thác. Hồi tháng Năm, các nhà sản xuất thép lớn của Trung Quốc đã kêu gọi Chính phủ tăng cường cả hoạt động sản xuất quặng sắt trong nước, lẫn đầu tư vào hoạt động khai thác và phát triển các quặng sắt mới ở châu Phi.

Đầu tháng Sáu, tờ nhật báo nhà nước Trung Quốc, Thời báo Toàn cầu, đưa thông tin đe dọa rằng Trung Quốc sẵn sàng thu hẹp quy mô nhập khẩu quặng sắt từ Australia, "đầu tư và dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ Brazil hoặc châu Phi."

Theo nhiều cách, đây là một trong những động thái mà Trung Quốc, về mặt chiến lược, đã chuẩn bị kể từ khoảng hai thập kỷ trước, khi gia tăng liên tiếp các cam kết với châu Phi.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi phục vụ nhiều mục đích, nhưng trên hết là hỗ trợ sự tìm kiếm khả năng tự lực lâu dài đối với các mặt hàng quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Trung Quốc.

Với mục đích như vậy, Bắc Kinh đã chú trọng xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo châu Phi để cung cấp sự hỗ trợ chính sách và hoạt động cho các công ty Trung Quốc tham gia thăm dò, phát triển và khai thác các mỏ khoáng sản tại lục địa này. Chính sách sắt thép nội địa của Trung Quốc khuyến khích và cung cấp tài chính cho các nguồn đầu tư trong nước tham gia vào lĩnh vực khai thác và chế biến kim loại ở nước ngoài, giúp đảm bảo nguồn cung và giá cả.

Các công ty nhà nước và không thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực quặng sắt tại châu Phi để giúp đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung cho quốc gia lớn nhất châu Á về mặt hàng quan trọng này.

Nam Phi hiện là nhà xuất khẩu lớn thứ ba (sau Australia và Brazil) và Mauritania đã lọt vào nhóm 15 nhà cung cấp kim loại hàng đầu của Trung Quốc. Algeria, Cameroon, Cộng hòa Congo, Guinea, Liberia, Senegal, Sierra Leone, Gabon, Nigeria và Madagascar đều có nguồn tài nguyên dự trữ, phần lớn trong số đó đang được nghiên cứu hoặc phát triển bởi các công ty Trung Quốc.

Mặc dù vậy việc khai thác kim loại tại châu Phi cũng bao gồm rất nhiều thách thức. Môi trường vận hành rủi ro đặc trưng do thiếu hụt các cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông, cũng như điều kiện chính trị và kinh tế không ổn định, đã đe dọa tới tham vọng của Trung Quốc trong quá khứ.

Năm 2016, Trung Quốc đánh bại một công ty Brazil và một công ty Pháp để thâu tóm hợp đồng khai thác trữ lượng quặng sắt khổng lồ ở phía Đông Bắc của Gabon, trị giá 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, dự án này đã bị đình trệ và cuối cùng là hủy bỏ do những rào cản liên quan tới cơ sở hậu cần, các vấn đề về môi trường gây ra sự phản đối từ xã hội dân sự của Gabon và sự thiếu hụt minh bạch của cả hai phía Gabon và Trung Quốc.

Tại Madagascar, nhà cung cấp thép lớn thứ ba cho Trung Quốc đã khai thác một mỏ quặng sắt lớn từ năm 2011, nhưng cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ với cáo buộc tham nhũng và mua chuộc chính phủ quốc tế bất hợp pháp để đạt được giấy phép thăm dò tài nguyên. Dự án này hiện vẫn chưa xong giai đoạn thăm dò khai thác.

Gần đây hơn, Trung Quốc thực hiện một khoản đầu tư cao cấp đầy hứa hẹn ở các nước Tây và Trung Phi, nơi sở hữu một trữ lượng quặng sắt chất lượng cao khổng lồ. Các dự án này bao gồm các quốc gia Sierra Leone, Liberia và Guinea.

Tháng trước, Chính phủ Guinea đã phê duyệt thỏa thuận cho phép một tập đoàn có sự hậu thuẫn của Trung Quốc phát triển khu mỏ Simandou, khu quặng sắt có trữ lượng tiềm năng chưa khai thác lớn nhất thế giới, nằm ở vùng núi phía Đông Nam đất nước.

Tranh chấp pháp lý và cơ sở hậu cần phức tạp đã cản trở sự phát triển của khu mỏ này ở Guinea trong suốt hai thập kỷ, nhưng sự tăng trưởng của giá quặng sắt trong những năm vừa qua đã một lần nữa thúc đẩy mối quan tâm từ các công ty đa quốc gia.

Theo một số nguồn tin, để đưa khu mỏ đi vào hoạt động và xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc xuất khẩu quặng sắt, Trung Quốc sẽ chi ra hơn 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Mặc dù một nửa trữ lượng tiềm năng của khu mỏ này chỉ đủ cung cấp cho khoảng 10-15% lượng quặng sắt nhập khẩu hàng năm của Bắc Kinh, nhưng trong thời điểm khó khăn hiện nay, Trung Quốc dường như sẵn sàng để đầu tư.

Kết thúc bài viết, tác giả nhận định những tranh chấp thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã thúc đẩy sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với châu Phi. Cường quốc lớn thứ hai thế giới đã không quá khoa trương trong việc sử dụng đòn bẩy các mối quan hệ có sẵn với châu Phi để tạo sức ép cho Australia.

Rõ ràng là quốc gia này đang có sẵn các lựa chọn, ngay cả khi những mỏ quặng sắt ở châu Phi phải mất vài năm nữa mới có thể khai thác được và đòi hỏi một nguồn vốn khổng lồ để phát triển chúng, thì cũng không cản trở Trung Quốc, quốc gia luôn biết phải hành động thế nào trong "một cuộc chơi kéo dài."

Giống như việc xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, các nước châu Phi sẽ làm mọi cách tốt nhất để nắm bắt cơ hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục