Trung Quốc trấn an và khuyến khích người dân tiếp tục tiêm chủng

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, khẳng định chương trình tiêm vắcxin là biện pháp kinh tế nhất, an toàn nhất và có hiệu quả cao nhất trong phòng ngừa, không chế và thanh toán các bệnh truyền nhiễm.
Trung Quốc trấn an và khuyến khích người dân tiếp tục tiêm chủng ảnh 1Nhân viên y tế Trung Quốc chuẩn bị tiêm vắcxin cho bệnh nhân. (Nguồn: ChinaMorning Post/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/4, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ông Mao Quần An khẳng định tiêm chủng có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác phòng bệnh, đồng thời bày tỏ hy vọng người dân sẽ tiếp tục đưa con em mình đi tiêm phòng kịp thời.

Ông Mao Quần An đưa ra phát biểu trên sau vụ bê bối vắcxin bị phanh phui ở Trung Quốc mới đây, trong đó cảnh sát tỉnh Sơn Đông triệt phá đường dây buôn lậu vắcxin quy mô lớn với tổng giá trị lên tới hơn 570 triệu nhân dân tệ (khoảng 88 triệu USD). Đặc biệt, trong số vắcxin tung ra thị trường có vắcxin đã hết hạn và vắcxin kém chất lượng do không được bảo quản đúng cách.

Ông Mao Quần An khẳng định chương trình tiêm vắcxin là biện pháp kinh tế nhất, an toàn nhất và có hiệu quả cao nhất trong phòng ngừa, không chế và thanh toán các bệnh truyền nhiễm.

Theo ông, sau khi vụ bê bối buôn lậu vắcxin ở Sơn Đông bị phanh phui, một số người dân Trung Quốc lo ngại và nghi ngờ công tác tiêm chủng. Ông bày tỏ hy vọng người dân có thể hiểu rõ về chương trình tiêm chủng quốc gia, hiểu rõ về những kiến thức liên quan tiêm chủng, đồng thời khẳng định nếu trẻ em không được tiêm chủng kịp thời và đúng chủng loại vắcxin thì sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe sau này của trẻ, chính vì vậy người dân nên nhanh chóng tiếp tục cho con em đi tiêm chủng theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình tiêm chủng quốc gia năm 1978, Trung Quốc đã hạn chế tốt sự lây lan và tỷ lệ tử vong do các loại bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bạch hầu, bại liệt, lao, uốn ván gây ra. Năm 2000, Trung Quốc đã thực hiện thành công mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt.

Sau khi triển khai chương trình tiêm chủng viêm gan B, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi nhiễm siêu vi HBV đã giảm mạnh từ mức gần 10% trong năm 1992 xuống còn 0,32% trong năm 2014. Bên cạnh đó, số bệnh nhân viêm não và viêm màng não cũng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục