Trung Quốc, trật tự toàn cầu và tương lai của nước Mỹ

Hệ thống quốc tế đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ một trật tự do với sự lãnh đạo, các lý tưởng và giá trị của Mỹ, sang một trật tự do Trung Quốc dẫn đầu.
Trung Quốc, trật tự toàn cầu và tương lai của nước Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo trang mạng asiatimes.com, hệ thống quốc tế đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ một trật tự do với sự lãnh đạo, các lý tưởng và giá trị của Mỹ, sang một trật tự do Trung Quốc dẫn đầu dựa trên các lý tưởng và giá trị của Trung Quốc.

Những dấu hiệu này đang hiển hiện ở khắp mọi nơi và tốc độ quá trình chuyển đổi này ngày càng mạnh mẽ.

Ngay đầu năm 2022, Canada đã tuyên bố áp dụng tình trạng tương tự lệnh thiết quân luật để trấn áp một cuộc biểu tình ôn hòa. Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đem đến cho châu Âu cuộc chiến trên bộ lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Iran phóng tên lửa vào Lãnh sự quán Mỹ ở Iraq. Và Đức đã thay đổi chính sách quốc phòng lâu đời.

Saudi Arabia cùng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) phớt lờ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tham gia cuộc chiến kinh tế chống lại Nga. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ công khai sự tách bạch giữa họ với chính sách của Mỹ, thay vào đó, thể hiện bản thân như lực lượng hòa giải tiềm năng nhờ các mối quan hệ có giá trị với cả Nga lẫn Ukraine.

Những diễn biến này là dấu hiệu cho thấy trật tự do Mỹ lãnh đạo đang thoái trào: các đối thủ của Mỹ không còn cảm thấy bị gò bó. Các đồng minh của Mỹ nhận ra rằng an ninh đòi hỏi những độc lập ngoại giao nhất định. Trong khi đó, các nền dân chủ tự do “bắt chước” sự kiểm soát của Trung Quốc đối với những công dân ngoan cố.

Vì sao thế giới lại đi tới giai đoạn này? Câu trả lời bắt đầu với hai quyết định mang tính hệ quả to lớn định hình trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Quyết định đầu tiên - được đưa ra trong những năm chính quyền Bush cha, Clinton và Bush con - dựa trên lý thuyết cho rằng những người giàu có sẽ là lực lượng thúc đẩy và đòi hỏi tự do. Do đó, thế giới tự do đã mở cửa hệ thống thương mại quốc tế, thương mại và tài chính dựa trên luật lệ cho các quốc gia mà họ cho là không có tự do.

Sự hội nhập của Trung Quốc đem đến một thử thách quan trọng. Dù Trung Quốc không bao giờ tỏ thái độ e dè về kế hoạch thúc đẩy sự thịnh vượng cho đất nước mà không cần phải nới lỏng các biện pháp kiểm soát xã hội hoặc chính trị, song giới lãnh đạo phương Tây tự tin rằng tự do kinh tế và kiểm soát xã hội không thể cùng tồn tại.  

[Trung Quốc-Mỹ nhất trí hợp tác để phục hồi kinh tế thế giới]

Ông Barack Obama là nhân tố báo trước quyết định thứ hai, điều được nhiều đồng minh của Mỹ tán thành. Quyết định này dựa trên lý thuyết rằng vai trò quá lớn của Mỹ trong hệ thống an ninh và thương mại của thế giới đang gây hại nhiều hơn là có lợi. Do đó, các nhà lãnh đạo của thế giới tự do thu hẹp sự ủng hộ đối với nền tảng đạo đức và năng lực vận hành của chính họ trong hệ thống toàn cầu.

Thực tế, ông Donald Trump không tác động nhiều tới việc làm lung lay các đồng minh lớn hoặc thay đổi quỹ đạo mà ông Obama đã đặt ra. Chính lực đẩy nhanh chóng của ông Biden nhằm hoàn thành quá trình “chuyển đổi” từng hứa hẹn đã đưa thế giới đến thời điểm hiện tại.

Với sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, cải thiện phúc lợi của chính người dân và củng cố quyền lực đối với đời sống chính trị và xã hội trong nước, Trung Quốc sau đó chuyển sang thực hiện vai trò mà Mỹ thoái lui. Trung Quốc thể hiện sự tự tin vào các hệ thống kinh tế xã hội của chính mình, cũng như các giá trị nền tảng và quyền xuất khẩu chúng.

Trung Quốc tận dụng những mối quan hệ kinh tế để nhân rộng ảnh hưởng - và cùng với đó, đưa mô hình quản trị tới các quốc gia vẫn tự coi mình là tự do. Dù có sự thống trị rõ ràng trong lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng và đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng ảnh hưởng sâu rộng nhất của Trung Quốc có lẽ đến từ việc cài đặt các phần mềm gián điệp trong các sản phẩm công nghệ của nước này.

Trên khắp thế giới, việc người tiêu dùng, các trường học, doanh nghiệp và chính phủ tìm kiếm các sản phẩm với mức giá thấp đã đem lại cho Trung Quốc quyền tiếp cận nguồn dữ liệu và các thông tin quan trọng về cuộc sống của chính họ. Nhiều người Mỹ say mê mô hình Trung Quốc, trong cả giới kinh doanh và chính phủ, đã bắt chước những cách làm này. Mô hình Trung Quốc lên ngôi và mô hình Mỹ thoái trào.

Trận chiến ý thức hệ này định hình cuộc cạnh tranh cho tương lai của tự do. Mỹ phải quyết định cách tái định hướng trật tự toàn cầu mới này. Nhiều người chỉ tỉnh táo trước các mối đe dọa, có lẽ rõ ràng nhất là dưới hình thức các phong trào dân sự phản đối những hạn chế “khẩn cấp” với việc đi lại và tụ họp. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn và cũng không kém phần quan trọng đang nhen nhóm tại Mỹ là việc các quan chức cấp bang và địa phương đột nhiên nhạy cảm với những lỗ hổng của chính họ.

Florida đã ban hành luật bảo vệ chính quyền và giới học thuật khỏi ảnh hưởng của nước ngoài, có những động thái hạn chế nguy cơ quỹ công và hệ thống lương hưu bị tác động trước Trung Quốc. Luật mới của Texas bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các mối đe dọa công nghệ phát ra từ các tác nhân thù địch nước ngoài; Idaho đang xúc tiến một dự luật tương tự trong khi chính quyền bang Tennessee đã ban hành luật nhằm nâng cao tính minh bạch của các nguồn tài trợ từ nước ngoài.

Các nhóm lập pháp lưỡng đảng tại Georgia và New York đang nỗ lực kiềm chế chính phủ mua các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc. Nhiều thống đốc bang kêu gọi đa dạng hóa nguồn nhập khẩu tài nguyên và công nghệ quan trọng.

Đây là những bước đi được đòi hỏi từ lâu, song nay với chỉ là bước khởi đầu. Thay vì thúc đẩy Trung Quốc mở cửa hệ thống chính trị và xã hội, chính sự hội nhập này đang đẩy các nước phương Tây tới chỗ thiết lập các kiểm soát chính trị và xã hội.

Sự phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp phi tự do có thể là điều tuyệt vời cho người tiêu dùng, song đồng thời cũng tạo ra những rủi ro nghiêm trọng cho xã hội của những công dân tự do./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục