Trung Quốc 'tự rước họa vào thân' khi trừng phạt Australia?

Trung Quốc đã nổi giận và Australia đã trở thành đối tượng bị trả đũa thương mại sau khi nước này đề xuất tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.
Trung Quốc 'tự rước họa vào thân' khi trừng phạt Australia? ảnh 1Thịt bò Australia được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 12/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc Australia đề xuất tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến Trung Quốc tức giận, dẫn tới việc Canberra đối mặt với đòn trả đũa thương mại từ Bắc Kinh.

Theo tờ The Australian, tới nay đã có 62 nước ủng hộ đề xuất điều tra về đại dịch COVID-19 của Australia.

Nhưng trong khi ủy ban điều tra liên quan chưa được thành lập, Australia đã trở thành đối tượng bị trả đũa thương mại. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 35% lượng thịt bò xuất khẩu của Australia.

Ngày 12/5 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu ngừng nhập khẩu thịt bò từ bốn cơ sở sản xuất lớn của Australia với lý do là vi phạm quy định về nhãn hiệu và tiêu chuẩn an toàn.

[Australia thất vọng về quyết định áp thuế nông sản mới của Trung Quốc]

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cân nhắc việc tăng thuế nhập khẩu lúa mạch Australia lên hơn 80% với cáo buộc Australia bán phá giá mặt hàng này.

Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye còn dọa rằng sinh viên và du khách Trung Quốc sẽ "suy nghĩ lại" về việc đến Australia trong tương lai.

Mới đây, một mục tiêu khác đã được tờ Thời báo Hoàn Cầu đề cập đến, đó là quặng sắt.

Theo báo trên, Trung Quốc là lựa chọn duy nhất đối với phần lớn quặng sắt xuất khẩu của Australia, nhưng quặng sắt Australia không phải lựa chọn duy nhất của Trung Quốc bởi nước này có thể chuyển sang nhập khẩu quặng sắt từ Brazil.

Người tiêu dùng đương nhiên có quyền lựa chọn người bán, nhưng cung cầu về tài nguyên không giống tiêu dùng thông thường. Trung Quốc nhập khẩu quặng sắt chủ yếu dùng chế biến gang thép.

Cho nên, trừ khi Trung Quốc từ bỏ việc xuất khẩu gang thép và sản xuất các sản phẩm liên quan, nếu không nước này khó có thể ngừng nhập khẩu quặng sắt từ Australia do trên thế giới khó tìm thấy một nước khác có thể đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc.

Trong quý 1/2020, Trung Quốc sản xuất 234,5 triệu tấn gang thép, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc hiện có nhu cầu mạnh mẽ đối với mặt hàng quặng sắt trên thị trường quốc tế, cũng là nước mua quặng sắt lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của Ngân hàng Thụy Sỹ (UBS), 62% lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Australia còn Brazil chỉ chiếm 21%.

Trung Quốc muốn thay đổi nguồn nhập khẩu quặng sắt e rằng rất khó. Trong 5 năm qua, Australia đóng vai trò chủ đạo nguồn cung quặng sắt trên thế giới.

Ngược lại, đối thủ cạnh tranh của Australia là Brazil lại chịu sự hạn chế về vấn đề an toàn, khí hậu thời tiết và dịch bệnh, khiến lượng cung quặng sắt từ nước này giảm mạnh.

Năm 2019, tập đoàn Vale, nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, để xảy ra sự cố vỡ đập làm hơn 200 người thiệt mạng.

Sau sự kiện này, Chính phủ Brazil đã giám sát chặt chẽ hoạt động vận hành của tập đoàn Vale.

Cộng thêm việc đầu năm nay, Brazil liên tục hứng chịu những trận mưa lớn, tất cả đều khiến sản lượng quặng sắt bị sụt giảm mạnh.

Theo tờ Financial Review, Vale đặt kế hoạch sản xuất 68-73 triệu tấn quặng sắt trong quý 1/2020, nhưng vào tháng Hai công ty đã cắt giảm mục tiêu xuống còn từ 63-68 triệu tấn và trên thực tế chỉ sản xuất được 59,6 triệu tấn.

Đối với năm 2020, Vale đặt mục tiêu sản xuất từ 340-355 triệu tấn quặng sắt, nhưng vào tháng Tư vừa qua, mục tiêu này đã giảm xuống còn 310-330 triệu tấn, thấp hơn cả mức đạt được vào năm 2015 (346 triệu tấn).

Điều đáng lo ngại là những gì nêu trên xảy ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Brazil.

Hiện nay, Brazil đã trở thành quốc gia đứng thứ sáu thế giới về số ca nhiễm COVID-19 và dịch bệnh ở nước này bắt đầu lây lan từ các thành phố lớn về những nơi thưa vắng, bao gồm bang Para ở phía Bắc. Đây là nơi cung cấp 23% lượng quặng sắt của toàn cầu.

Dịch bệnh chắc chắn sẽ giáng đòn nặng nề vào việc sản xuất quặng sắt, đặc biệt là trong bối cảnh mức độ chấp hành lệnh phong tỏa của người dân địa phương rất thấp.

Nói cách khác, Brazil trong ngắn hạn khó có thể tăng lượng cung và việc này đã thúc đẩy giá quặng sắt tăng lên, tuần qua từng tiến sát mức 90 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Trung Quốc 'tự rước họa vào thân' khi trừng phạt Australia? ảnh 2Vận chuyển quặng sắt tại khu cảng Rio Tinto, gần Dampier, miền Tây Australia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trung Quốc rõ ràng muốn gây sức ép buộc Australia từ bỏ chủ trương tiến hành điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 giống như việc Mỹ sử dụng thuế quan để ép Trung Quốc mở cửa thị trường.

Tuy nhiên, theo tờ Economic Journal ngày 18/5, nếu Trung Quốc cứ làm theo ý mình, kiên trì không mua quặng sắt của Australia, e rằng nước này sẽ phải bỏ thêm nhiều tiền để mua quặng sắt từ nước khác, thậm chí là phải bỏ tiền để nước khác mua quặng sắt của Australia rồi bán lại cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, không rõ đề xuất điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 có khiến Australia rơi vào cảnh “lấy đá ghè chân mình” hay không. Đáng chú ý là từ tháng 4/2020, truyền thông và chính giới Australia bắt đầu thảo luận nghiêm túc về những rủi ro từ việc lệ thuộc vào Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục