Trung Quốc và Ấn Độ tụt hạng thê thảm về chỉ số bình đẳng giới

Theo danh sách bình đẳng giới của WEF, chỉ số khoảng cách giới của Trung Quốc và Ấn Độ đều tụt hạng thê thảm ở lần lượt thứ 87 và 114 trên tổng số 142 quốc gia.
Trung Quốc và Ấn Độ tụt hạng thê thảm về chỉ số bình đẳng giới ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Các quốc gia Bắc Âu tiếp tục đi đầu về bình đẳng giới, các nước nghèo có những cải thiện đáng kể trong khi các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản lại tiếp tục vắng bóng trong top 10 quốc gia đứng đầu.

Đây là những thông tin trong Báo cáo Khoảng cách giới năm 2014 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Danh sách công bố ngày 28/10 cho thấy Iceland đứng đầu danh sách bình đẳng giới của WEF năm thứ 6 liên tiếp, theo sau vẫn là 4 quốc gia Bắc Âu khác gồm Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch.

Đáng ngạc nhiên là hai quốc gia nghèo ở Mỹ Latinh và châu Phi là Nicaragua và Rwanda cũng góp mặt trong danh sách này với vị trí thứ 6 và 7; theo sau là Ireland. Philippines là quốc gia châu Á duy nhất có tên trong top 10 với vị trí thứ 9. Bỉ đứng thứ 10.

Ở đầu kia của bảng xếp hạng cũng không có nhiều thay đổi với Yemen, Pakistan và Chad tiếp tục bị nêu danh là những nước có chỉ số khoảng cách giới tồi tệ nhất.

Với các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, thứ hạng của Pháp đã có bước chuyển biến đột ngột từ thứ 45 lên 16. Mỹ cũng tăng 3 bậc lên vị trí 20, trong khi Anh lại tụt 8 bậc xuống vị trí 26.

Trong số các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Nam Phi đứng đầu về bình đẳng giới với thứ hạng 18, bỏ xa quốc gia đứng thứ hai là Brazil, xếp thứ 71, tiếp theo là Nga (thứ 75). Trái ngược với xu hướng cải thiện thứ hạng chung, chỉ số khoảng cách giới của Trung Quốc và Ấn Độ đều tụt hạng thê thảm ở lần lượt thứ 87 và 114 trên tổng số 142 quốc gia.

Theo WEF, nhìn chung tình trạng bình đẳng giới tiếp tục được cải thiện với 105/142 quốc gia được tăng hạng và 35 nước đã gần như xóa bỏ các khoảng cách giới trong lĩnh vực y tế, 25 nước hoàn thành mục tiêu này trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, WEF cũng quan ngại về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Theo đó khoảng cách về cơ hội việc làm của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế chỉ được nâng từ 56% lên 60% so với nam giới; ước tính khoảng cách xa vời vợi này cần hơn 80 năm mới có thể xóa bỏ.

Phát biểu với báo giới, ông Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch WEF, cho biết việc đạt được bình đẳng giới là quan trọng vì các lý do kinh tế. Chỉ những nền kinh tế có thể huy động tất cả tài năng của phụ nữ mới có thể cạnh tranh và thịnh vượng.

Báo cáo của WEF cho thấy Canada đứng đầu danh sách về bình đẳng giới trong tỷ lệ biết chữ và số lượng học sinh tiểu học và trung học phổ thông cũng như tỷ lệ lao động nữ so với lao động nam trong các lĩnh vực chuyên môn và kỹ thuật. Tuy nhiên, do khá tụt hậu về sự tham gia chính trị của phụ nữ và đứng tới thứ 100/142 trong lĩnh vực y tế, và thứ 111 về tuổi thọ của phụ nữ so với nam giới, Canada chỉ tăng 1 bậc về tiến bộ trong xóa bỏ bất bình đẳng giới, lên thứ 19 trong danh sách của WEF.

Từ năm 2006, WEF bắt đầu công bố Báo cáo Khoảng cách Giới Toàn cầu hàng năm dựa trên dữ liệu của các tổ chức quốc tế về bình đẳng giới trong 4 lĩnh vực là y tế, tiếp cận giáo dục, cơ hội kinh tế và tham gia chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục