Trung Quốc và Hàn Quốc tranh cãi lớn về lịch sử

Nhiều thế kỷ trước, Kwanggaet’o the Great (Hán Hàn: Quảng Khai Thổ Thái Vương) cai trị một đế quốc hùng mạnh trải dài từ phía nam Seoul (Hán Thành) vào sâu vùng Manchuria (Mãn Châu Lý) ở đông bắc Trung Quốc ngày nay, nhưng triều đại Koguryo (Cao Câu Ly) của ông hiện giờ đang gây tranh cãi dữ dội.
Trung Quốc và Hàn Quốc tranh cãi lớn về lịch sử ảnh 1Du khách thăm lăng mộ Kwanggaet’o ở Tập An, Cát Lâm, Trung Quốc (Nguồn: AFP)

Nhiều thế kỷ trước, Kwanggaet’o the Great (Hán Hàn: Quảng Khai Thổ Thái Vương) cai trị một đế quốc hùng mạnh trải dài từ phía nam Seoul (Hán Thành) vào sâu vùng Manchuria (Mãn Châu Lý) ở đông bắc Trung Quốc ngày nay, nhưng triều đại Koguryo (Cao Câu Ly) của ông hiện giờ đang gây tranh cãi dữ dội.

Kwanggaet’o được tôn vinh là anh hùng dân tộc cả ở hai miền Triều Tiên, trong khi Trung Quốc lại tính Koguryo là một triều đại thuộc Hán, gây ra những tranh cãi dữ dội từ hai phía.
Một trong các địa điểm đóng đô của Koguryo hiện là thành phố Trung Quốc Jian (Tập An) thuộc tỉnh Jilin (Cát Lâm), nằm ngay bên bờ sông Yalu (Áp Lục) biên giới Trung-Triều.

Thành phố này có rất nhiều di chỉ lịch sử và văn hóa, bao gồm các lăng mộ hoàng gia được UNESCO xếp loại di sản văn hóa thế giới được trang trí với những hình khắc cảnh đấu vật truyền thống và săn cọp hết sức sinh động.

Một tấm bia đá cao hơn sáu mét là biểu tượng của tranh cãi, với tên của hoàng đế Kwanggaet’o được khắc trên đó bằng tiếng Hoa phồn thể được dùng làm chữ viết ở khu vực Đông Bắc Á thời bấy giờ.

“Koguryo là một phần thực tế của lịch sử Triều Tiên, không phải Trung Quốc”, Hwang Seon Goo, một du khách người Hàn Quốc nói với AFP. “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc nhận vơ”.

Trong khi đó, Zhang Ming, một du khách người Trung Quốc nói những chữ khắc trên bia đá cho thấy đó là một phần của lịch sử Trung Quốc. “Sao đó lại là của Triều Tiên khi nó được viết bằng Hán tự? Trong nhà bảo tàng ở thành phố Tập An có lời giải thích. Koguryo đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh với các quốc gia và bộ tộc lân cận ở Trung Nguyên thời kỳ đó. Tuy nhiên, họ rốt cuộc đã chấp nhận xưng thần với các triều đại Trung Quốc và trở thành một quốc gia phiên thuộc”.

Cả hai miền Triều Tiên tuyên bố Koguryo là một phần lịch sử của họ và đó là chủ đề rất phổ biến ở Hàn Quốc trong cả tiểu thuyết và phim truyền hình. Vương triều Koguryo kéo dài từ năm 37 trước công nguyên tới năm 668, khi Koguryo bị nhà Đường và Silla (Tân La), một trong ba vương quốc ở bán đảo Triều Tiên, thôn tính.

Trung Quốc và Hàn Quốc tranh cãi lớn về lịch sử ảnh 2Búp bê mặc đồ truyền thống của dân tộc Triều Tiên được bày bán ở Cát Lâm, Trung Quốc (Nguồn: AFP)

Nhưng vùng cai trị của đế quốc Goguryeo (tiếng Hoa là Gaogouli) nằm ở vùng ngày nay thuộc lãnh thổ bốn nước: Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga.

Tranh cãi nổ ra khoảng một thập kỷ trước khi Trung Quốc khởi động Dự án Đông Bắc, một dự án xét lại lịch sử ở khu vực biên giới đông bắc nước này. Phản ứng từ Hàn Quốc đặc biệt tiêu cực do nước này coi đây là một hành động “bắt cóc lịch sử” của Bắc Kinh.

Bộ ngoại giao Hàn Quốc có hẳn một mục riêng trên trang chủ của họ về đề tài này, được đặt cạnh tranh cãi của Seoul với Nhật Bản về quần đảo mà họ gọi là Dokdo (Độc Đảo) còn Tokyo gọi là Takeshima (Trúc Đảo).

“Chính quyền Hàn Quốc coi vấn đề lịch sử Goguryeo là vấn đề bản sắc dân tộc với ưu tiên cao nhất”, trang web thông báo. Năm 2006, tổng thống Hàn Quốc khi đó, ông Roh Moo-Hyun đã đích thân nêu ra vấn đề này trong một cuộc gặp với thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Ôn Gia Bảo.

Căng thẳng đã được giải tỏa bớt, nhưng Hàn Quốc nói họ vẫn để mắt tới “những âm mưu bóp méo lịch sử mới”, theo Bộ ngoại giao nước này.

Adam Cathcart, giảng viên lịch sử Trung Quốc ở Đại học Leeds (Anh) nói: “Khi nhìn vào quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên, rồi quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên, đây là một vấn đề khó chịu mà tất cả các bên đều theo dõi”.

Kwanggaet’o, trị vì từ năm 391 tới 413, được Trung Quốc gọi là Haotaiwang (Hảo Thái Vương). Hàn Quốc gọi ông là Gwanggaeto (Quảng Khai Thổ) và dùng tên ông đặt cho một lớp tàu chiến. 

Triều Tiên cũng coi triều đại Koguryo là một phần quan trọng trong các chiến dịch tuyên truyền cho quân đội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục