Hối thúc ngừng bắn

Trung Quốc và Nga hối thúc ngừng bắn tại Libya

Trung Quốc, Nga kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hoạt động quân sự và tiến hành đàm phán để giải quyết cuộc xung đột ở Libya.
Trung Quốc, Nga ngày 30/3 đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hoạt động quân sự và tiến hành đàm phán để giải quyết cuộc xung đột tại Libya.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang ở thăm Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nêu rõ "đối thoại và các biện pháp hòa bình khác là những giải pháp tối thượng cho các vấn đề ở Libya."

Theo ông, sử dụng vũ lực không giúp giải quyết được vấn đề mà trái lại, khiến tình hình thêm phức tạp. Nhà lãnh đạo Bắc Kinh nhấn mạnh nếu gây thảm họa cho người dân và dẫn tới một khủng hoảng nhân đạo, thì các hành động quân sự tại Libya đã đi ngược lại nghị quyết của Liên hợp quốc.

Ông nêu rõ nhiều nước và tổ chức khu vực đã đề xuất các giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libya và Trung Quốc tin tưởng rằng các bên liên quan nên có các phản ứng tích cực.

Khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với các nỗ lực chính trị nhằm giảm tình hình căng thẳng hiện nay tại Libya, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, tìm kiếm các biện pháp hòa bình và tránh gây thêm thương vong cho dân thường, khôi phục lại ổn định tại quốc gia Bắc Phi này.

Ông nêu rõ Bắc Kinh phản đối việc sử dụng quân sự trong các vấn đề quốc tế và độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia phải được tôn trọng.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Sarkozy cho biết Paris cũng mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Libya thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng yêu cầu các bên xung đột tại Libya ngừng bắn và nhanh chóng tổ chức đàm phán nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Mátxcơvavới người đồng cấp Áo Mikhael Schpindelegger đang ở thăm, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng nhiệm vụ ưu tiên số một hiện nay là ngừng bắn và đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Libya.

Nga phản đối việc cung cấp vũ khí cho lực lượng chống đối chính phủ tại Libya và coi đó là hành động can thiệp không thể chấp nhận được. Ông Lavrốp cho rằng tương lai của Libya phải do người dân nước này tự quyết định.

Về phần mình, Ngoại trưởng Schpindelegger nhấn mạnh Áo có quan điểm giống Nga khi đánh giá về cuộc xung đột tại Libya. Áo ủng hộ Liên minh châu Phi và Liên đoàn các nước Arập góp phần tích cực để tìm kiếm giải pháp chính trị cho tình hình Libya.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Anh Wiliam Hague ngày 30/3 cho biết nước này đã trục xuất năm nhà ngoại giao Libya để phản đối các hành động của Chính phủ Tripoli, đồng thời cho rằng những người này có thể là mối đe dọa tới an ninh quốc gia của Anh.

Liên quan việc vũ trang cho lực lượng chống đối chính phủ tại Libya, Thủ tướng Anh David Cameron cùng ngày đã từ chối bác bỏ khả năng này, song khẳng định London hiện chưa quyết định vấn đề này.

Trả lời trước quốc hội khi được hỏi về chính sách của Anh đối với việc vũ trang cho quân nổi dậy Libya, ông Cameron nhấn mạnh: "Chúng tôi không bác bỏ kế hoạch này nhưng cũng chưa quyết định làm như vậy"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục