Trung Quốc và tham vọng đi đầu trong lĩnh vực chế tạo

Trong báo cáo chính phủ năm 2019 trình bày trước Quốc hội tại Bắc Kinh ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu rõ cần tăng tốc hành động để đưa đất nước trở nên mạnh mẽ trong ngành chế tạo.
Trung Quốc và tham vọng đi đầu trong lĩnh vực chế tạo ảnh 1Máy bay động cơ kép C191 của Trung Quốc. (Nguồn: flightglobal.com)

Theo trang mạng scmp.com, trong báo cáo chính phủ năm 2019 trình bày trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) tại Bắc Kinh ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết đất nước cần “tăng tốc hành động để đưa Trung Quốc trở nên mạnh mẽ trong ngành chế tạo,” tuy nhiên đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” không được nhắc đến trong báo cáo hoạt động của chính phủ nước này.

“Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (MIC2025), bản kế hoạch chi tiết của Bắc Kinh để giành được quyền tối cao trong lĩnh vực công nghệ, đã từng làm dấy lên sự hoài nghi ở Mỹ và châu Âu, đã không được nhắc đến một lần nào trong báo cáo làm việc của chính phủ Trung Quốc năm 2019, dù các lãnh đạo cấp cao vẫn nhắc lại những tham vọng của đất nước trong việc nâng cấp ngành công nghiệp chế tạo và thúc đẩy phát triển công nghệ.

Báo cáo 35 trang mà Lý Khắc Cường trình bày trước hội nghị có đoạn viết: “Chúng ta sẽ tăng cường năng lực hỗ trợ của cơ sở hạ tầng chất lượng… và cải thiện chất lượng các sản phẩm và dịch vụ để khuyến khích thêm người tiêu dùng trong nước và nước ngoài lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc.”

Tuy nhiên, việc không nhắc đến kế hoạch nói trên tại một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch trình chính trị của Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh đang giảm bớt những tham vọng sử dụng công nghệ và đổi mới để hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống của mình.

Báo cáo được theo dõi sít sao này là trọng tâm của kỳ họp Lưỡng hội, không chỉ trình bày những mục tiêu cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà luôn hàm chứa những tín hiệu của sự thay đổi về chính sách trong chính phủ Trung Quốc.

[Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay thương mại]

Được coi là bản kế hoạch chi tiết cho chương trình hiện đại hóa công nghiệp của Bắc Kinh, MIC2025 đã luôn xuất hiện trong các báo cáo hoạt động của chính phủ Trung Quốc trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Việc thiếu vắng MIC2025 trong bản báo cáo năm nay xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang thể hiện rõ sự cạnh tranh quyền thống trị các nền công nghệ thế hệ mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà lập pháp và hoạch định chính sách tại Washington đã chỉ trích kế hoạch này vì cách tiếp cận không công bằng khi nhà nước hỗ trợ hậu hĩ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm trợ cấp trực tiếp cho các công ty trong nước khai thác chất bán dẫn tiên tiến.

Được tung ra vào năm 2015, mục tiêu của MIC2025 là hỗ trợ 10 ngành công nghiệp chiến lược mà Bắc Kinh lựa chọn, trong đó có ngành chế tạo người máy, không gian, các nhiên liệu mới và các phương tiện sử dụng các nguồn năng lượng mới, tăng cường chuỗi giá trị, phá vỡ sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài và đưa ngành công nghiệp công nghệ cao ở trong nước lên các cấp độ phương Tây.

Một báo cáo tài chính khác của chính phủ được đưa ra hôm 5/3 đã tiết lộ rằng ngân sách của chính quyền trung ương Trung Quốc dành cho khoa học và công nghệ có thể tăng 13,4%, lên tới 354,31 tỷ yen (tương đương 52,88 tỷ USD) trong năm nay, bất chấp tăng trưởng nền kinh tế trong nước đang trì trệ.

Ông Lý Khắc Cường cũng cho biết Trung Quốc có thể tăng cường sự hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu định hướng ứng dụng, đẩy mạnh cải tiến cơ bản và nỗ lực hơn để đạt được những đột phá về các công nghệ quan trọng trong những lĩnh vực then chốt.

Thay vì sử dụng cụm từ MIC2025, báo cáo của chính phủ cho biết Trung Quốc sẽ mở rộng “ưu thế thông minh” để biến đổi và nâng cấp ngành công nghiệp chế tạo của mình.

Một loạt biện pháp, bao gồm cắt giảm thuế cho lĩnh vực chế tạo và doanh nghiệp nhỏ, sẽ được củng cố nhằm khuyến khích sự phát triển các công nghệ chế tạo chất lượng cao và thúc đẩy cải cách.

Huang Shouhong, Giám đốc văn phòng nghiên cứu thuộc Hội đồng nhà nước và cũng là đại biểu quốc hội, phát biểu bên lề hội nghị: ‘Báo cáo chỉ có giới hạn và không có gì khác thường về các chính sách được đưa ra năm ngoái, nhưng năm nay thì có. Tạo điều kiện cho tăng trưởng chất lượng cao trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc là cần thiết để nâng cấp và biến đổi nền kinh tế Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có hoãn lại kế hoạch MIC2025 của mình vì những tranh cãi thương mại với Mỹ hay không, Lin Yong, một đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm chế tạo lớn của Trung Quốc, cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta không nên làm thế. Trung Quốc cần duy trì việc theo đuổi con đường riêng của mình. Ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc vốn đã đang dẫn đầu thế giới - chúng ta không nói chúng ta là nhất, nhưng ít ra chúng ta cũng phải đứng thứ hai hoặc thứ ba.

Lĩnh vực chế tạo không thể bị bỏ lại phía sau, kể cả giữa cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Chúng ta cần đổi mới chính sách cốt lõi của mình”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục