"Con đường Tơ lụa" mới

Trung Quốc-Arập: Xây dựng "Con đường Tơ lụa" mới

Từng nổi tiếng với "Con đường tơ lụa" cách đây 2.000 năm, Trung Quốc và thế giới Arập đang nỗ lực xây dựng "con đường tơ lụa" mới.
"Con đường tơ lụa" huyền thoại từng nối liền Trung Quốc và thế giới Arập cách đây 2.000 năm là một trong những tuyến đường thương mại lớn nhất thời kỳ cổ đại, minh chứng rõ ràng nhất cho sự giao lưu giữa các nền văn hóa.

Và nay, một "con đường tơ lụa" mới tập trung vào lĩnh vực thương mại và hợp tác kinh tế đang được hai bên xây dựng thông qua những nỗ lực chung.

Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Arập lần thứ 4, với sự tham dự của 22 quốc gia thuộc khối Arập, diễn ra trong hai ngày 13-14/5 tại thành phố cảng Thiên Tân (Trung Quốc), sẽ tiếp thêm động lực mới cho quá trình hợp tác kinh tế song phương này.

Trong khuôn khổ ngày họp đầu tiên, các quốc gia tham dự diễn đàn đã tập trung thảo luận về thực trạng và triển vọng quan hệ hợp tác kinh tế Trung Quốc-Arập, các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời tăng cường hiểu biết về môi trường kinh doanh song phương.

Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Arập ra đời năm 2004 và đã trở thành một bệ phóng quan trọng cho những lợi ích kinh tế chung và hợp tác thương mại song phương.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định hai bên sẽ nỗ lực củng cố mối quan hệ chiến lược này, dựa trên những mục tiêu phát triển chung.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên đoàn Arập, Amr Moussa cũng tin tưởng rằng, tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Arập là cực kỳ lớn. Các quốc gia Arập có thế mạnh về địa lý, giàu tài nguyên và vốn, trong khi các công ty Trung Quốc rất năng động và nắm bắt những công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.

Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Quốc tế Thượng Hải, Zhu Weilie cũng chung quan điểm rằng: "Trên phương diện quốc tế, các nước Arập giữ vai trò chiến lược nhờ vị trí địa lý quan trọng, nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào, và tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống Hồi Giáo. Trung Quốc thì đang có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, cùng tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Arập là tác nhân tố thiết yếu cho sự phát triển dài hạn và tái cấu trúc trật tự kinh tế thế giới."

Theo số liệu thống kê, trước khi Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Arập được thành lập, kim ngạch thương mại song phương chỉ ở mức 25,4 tỷ USD năm 2003 và tăng lên 36,7 tỷ USD năm 2004. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Arập tăng vọt lên mức 132,9 tỷ USD năm 2008, đánh dấu kỷ lục trao đổi thương mại song phương vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Bên cạnh đó, đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và các nước Arập cũng có những bước tiến đáng kể.

Năm 2003, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại các nước Arập chỉ "khiêm tốn" 17,3 triệu USD, song đã nhảy lên 182 triệu USD năm 2004 và 2,65 tỷ USD năm 2008. Tương tự, tính đến cuối năm 2008, FDI của khối Arập sang Trung Quốc đạt kỷ lục 1,5 tỷ USD. Hai bên còn hợp tác chặt chẽ trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch và dịch vụ lao động.

Vượt qua những khó khăn chung

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu, và tất nhiên Trung Quốc cùng các nước Arập cũng không thể tránh được những "cú sốc" nghiêm trọng.

Phát biểu tại Hội nghị Tài chính quốc tế Dubai hồi tháng 4/2009, các nhà lãnh đạo Arập cho biết khối Arập đã thiệt hại 2.500 tỷ USD trong cuộc suy thoái kinh tế thế giới, cộng thêm những tác động không nhỏ khi giá dầu thế giới sụt giảm mạnh và các thị trường tài chính khu vực yếu kém do ảnh hưởng của khủng hoảng. Đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc và Arập cùng thể hiện quyết tâm hợp tác nhằm vượt qua những thách thức chung này.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có chuyến thăm Arập Xêút hồi tháng 2/2009 và kêu gọi thắt chặt mối quan hệ giữa Trung Quốc và các thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đặc biệt trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ. Và trong khuôn khổ Hội thảo doanh nghiệp Trung Quốc-Arập hai tháng sau đó tại Hàng Châu (Trung Quốc), hai bên đã nêu bật sự cần thiết phải phối hợp nhằm tìm kiếm đầu tư, phát triển, đồng thời thiết lập mối quan hệ kinh tế-thương mại chặt chẽ hơn.

Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2009, kim ngạch trao đổi thương mại Trung Quốc-Arập tuy giảm so với năm 2008 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song vẫn đạt gần 110 tỷ USD.

Ben Simpfendorfer, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) tại Trung Quốc từng viết một cuốn sách nhan đề "Con đường Tơ lụa mới" năm 2009 để miêu tả mối quan hệ và vị thế giữa Trung Quốc và Arập hiện nay. Ông Simpfendorfer khẳng định, thương mại chính là động lực phát triển chính cho mối quan hệ song phương này và "Con đường Tơ lụa mới" sẽ gắn kết Trung Quốc và thế giới Arập chặt chẽ hơn./.

Việt Khoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục