Trung Quốc-Mỹ có giọng điệu tích cực bất chấp căng thẳng

Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đều có giọng điệu công khai tích cực, bất chấp căng thẳng an ninh và thương mại hai bên.
Trung Quốc-Mỹ có giọng điệu tích cực bất chấp căng thẳng ảnh 1(Nguồn: Sputnik)

Theo hãng AP, ngày 27/6, trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đều có giọng điệu công khai tích cực, khi tán dương sự hợp tác quân sự gia tăng và khởi động đối thoại giữa hai cường quốc thế giới, bất chấp căng thẳng an ninh và nguy cơ cuộc chiến thương mại ngày càng hiện hữu.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của ông Mattis kể từ khi ông nắm giữ chức vụ người đứng đầu Lầu Năm Góc. Ông đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa.

Trong các bình luận công khai, hai bên tránh nhắc tới các chủ đề vốn gây ra căng thẳng cho mối quan hệ song phương, gồm vấn đề Đài Loan, hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

[Trung Quốc bảo lưu quyền trả đũa các hành động thương mại của Mỹ]

Thay vào đó, hai bên tập trung thảo luận tầm quan trọng của mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung, mối quan hệ mà theo Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan chỉ huy cao nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đây là “thành tố điển hình trong một mối quan hệ song phương toàn diện.”

Các quan chức Mỹ mô tả các cuộc đối thoại thẳng thắn nhưng thành công. Ông Randy Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, thành viên trong phái đoàn Mỹ gặp giới chức Trung Quốc, cho biết: “Các lĩnh vực bất đồng đã được xác định song không nhất thiết phải xoáy sâu vào.”

Theo ông, khi các lĩnh vực bất đồng được nêu lên, ông Mattis đã nói rõ lập trường của Mỹ, trong đó có sự phản đối công khai đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc diễn ra đúng thời điểm nguy cơ cuộc chiến thương mại hiện hữu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White, vấn đề thương mại cũng được nêu ra, song không phải trọng tâm trong các cuộc đối thoại.

Bà White nói: “Điều được nhắc tới nhiều nhất là mong muốn xây dựng mối quan hệ quân sự bền vững, như là một yếu tố ổn định cho một mối quan hệ toàn diện.”

Ông Schriver cho biết vấn đề Triều Tiên được nêu lên trong mỗi cuộc gặp, với việc hai bên nhất trí mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như sự cần thiết phải ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục