Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên: Ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên đang chăm sóc, nuôi dưỡng 59 thương, bệnh binh đến từ 13 tỉnh, thành. Các thương, bệnh binh ở đây có tình trạng thương tật nặng, suy giảm 81% sức lao động.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên: Ngôi nhà ấm áp nghĩa tình ảnh 1Kiểm tra sức khỏe thương, bệnh binh là công việc hàng ngày của các bác sỹ tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Là một trong những cơ sở điều dưỡng thương binh được thành lập sớm nhất cả nước, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để trở thành ngôi nhà ấm áp của các thương binh, bệnh binh.

Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 59 thương, bệnh binh đến từ 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hầu hết các thương, bệnh binh ở đây có tình trạng thương tật nặng, suy giảm trên 81% sức lao động. Người cao tuổi nhất đã trên 90 tuổi, người ít nhất cũng đã ngoài 60 tuổi.

Do tuổi cao lại bị tổn thương nặng về trí tuệ cũng như cơ thể, nên các y, bác sĩ, điều dưỡng phải phục vụ từ ăn, tắm, ngủ nghỉ đến uống thuốc. Nhiều bác do vết thương quá nặng, đội ngũ điều dưỡng tại Trung tâm hằng ngày vẫn bón từng thìa cơm, miếng nước như người thân trong gia đình.

Là người đã gắn bó gần 30 năm với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, bác sỹ Đoàn Văn Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm đã chứng kiến biết bao thay đổi nơi đây. Bác sỹ Kiện cũng là người hiểu rất rõ việc chăm sóc thương binh, bệnh binh không chỉ đơn giản là kê đơn, cắt thuốc, mà còn cần đến những "liều thuốc tinh thần."

Bởi đa số thương, bệnh binh bị thương từ khi tuổi mới mười tám, đôi mươi còn chưa kịp yêu ai, nhưng do thương tật quá nặng nên không xây dựng gia đình. Bởi vậy, bên cạnh nỗi đau về thể xác, với các bác, đó còn là nỗi cô đơn, trống trải… Thấu hiểu điều đó, bác sỹ Kiện luôn ân cần trong công tác điều trị cho các thương, bệnh binh và sẵn sàng lắng nghe tâm sự của các bác.

Bác sỹ Đoàn Văn Kiện chia sẻ các bác thương binh, bệnh binh tuổi đã cao, phần lớn có từ 4 đến 5 loại bệnh, nên việc chăm sóc, điều trị rất khó khăn. Nhiều khi xảy ra tình trạng kháng thuốc ở các bác, nên phải thay đổi phác đồ điều trị, trường hợp nặng phải kịp thời chuyển lên bệnh viện tuyến trên để có điều kiện điều trị tốt hơn.

Công việc tuy vất vả nhưng bản thân bác sỹ đã xác định ngay từ khi vào làm việc tại Trung tâm là chăm sóc, phục vụ thương, bệnh binh - những người đã hy sinh một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tại đây, các cán bộ, hộ lý cũng luôn có tác phong, thái độ phục vụ hòa nhã, với tinh thần trách nhiệm cao như chăm sóc người thân trong gia đình.

[Chăm lo đối tượng chính sách và người có công là nhiệm vụ quan trọng]

Bác Nguyễn Đình Cường, sinh năm 1959, quê huyện Yên Mô (Ninh Bình), thương binh 1/4, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và bị thương năm 1978. Bác về Trung tâm năm 1980 và gắn bó đến nay đã hơn 40 năm.

Bác Cường chia sẻ từ lâu Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên đã trở thành ngôi nhà ấm áp nghĩa tình của bác cũng như các thương binh, bệnh binh ở đây. Hằng ngày, bác được đội ngũ y, bác sỹ trong Trung tâm chăm lo đời sống, tinh thần, sức khỏe, ân cần như người thân.

Bác Cường cho biết sau khi bị thương, bác đã quyết định không xây dựng gia đình và hiện vẫn còn mẹ già gần 90 tuổi đang sinh sống ở quê. Mỗi năm, Trung tâm đều bố trí xe đưa, đón bác về thăm gia đình 2 lần, nên bác rất phấn khởi. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết và ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7, các thương binh, bệnh binh ở Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi động viên và tặng quà.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên: Ngôi nhà ấm áp nghĩa tình ảnh 2Thương, bệnh binh coi trung tâm như là nhà, cán bộ, nhân viên trung tâm như người thân. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Bác Nguyễn Thanh Huyên, quê ở huyện Giao Thủy (Nam Định) là thương binh 1/4, tỷ lệ thương tật 97%, cũng đã gắn bó với Trung tâm hơn 40 năm, cho biết bác về Trung tâm từ năm 1979, sau một trận chiến đấu với giặc trên đất Campuchia và bị thương.

Ở Trung tâm, bác luôn nhận được sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài các chế độ được hưởng đúng, đủ, bác còn được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kịp thời, chu đáo. Các cán bộ, nhân viên và thương binh, bệnh binh ở đây như người một nhà. Theo bác Huyên, đời sống vật chất của thương binh, bệnh binh ở Trung tâm đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Các phòng ở đều thoáng mát, sạch sẽ và có điều hòa, tivi.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và giải quyết các chế độ, chính sách cho thương binh, bệnh binh nặng, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên.

Với tinh thần “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm,” đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm luôn yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu các đồng chí thương binh, bệnh binh. Do đó, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc thương binh, bệnh binh luôn được họ được đặt lên hàng đầu.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, đội ngũ y, bác sỹ của Trung tâm đã thực hiện hơn 1.200 mũi tiêm an toàn, truyền dịch hàng trăm lượt, không để xảy ra sai sót trong điều trị và sử dụng thuốc.

Trung tâm đã đưa 78 lượt thương binh, bệnh binh đi khám và điều trị tại tuyến tỉnh và Trung ương, trong đó có 50 trường hợp nằm điều trị dài ngày với hàng trăm ngày công hộ lý phục vụ tại bệnh viện.

Bà Mã Thị Bích Nhạn, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên cho biết công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng là một nhiệm vụ chính trị và có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước đã chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên Trung tâm sẽ tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của mình, không ngại khó khăn vất vả, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để các thương binh, bệnh binh yên tâm điều trị, nghỉ dưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục