Trung tâm kinh tế thế giới chuyển sang châu Á

Theo nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, ông Stevens, trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển nhanh sang châu Á.
Báo BusinessLine ngày 17/4 dẫn nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, ông Stevens cho biết trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển nhanh sang châu Á.

Theo ông Stevens, việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết sự mất cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu đang bị cản trở do tập trung quá nhiều vào thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Ông Stevens, người theo dõi chặt chẽ về sự phát triển của Trung Quốc, cho rằng sự nổi lên của Trung Quốc và rất có thể cả Ấn Độ, sẽ làm biến đổi nền kinh tế thế giới.

Phát biểu tại Hiệp hội Australia-Mỹ ở New York, ông Stevens cho biết trong 20 năm kể từ năm 1990, đóng góp của Mỹ đối với GDP thế giới giảm từ 25% xuống 20% và châu Âu cũng vậy.

Trong khi đó, đóng góp của châu Á đối với GDP toàn cầu tăng từ 25% lên 33%, dẫn đầu là Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với khoảng 3.200 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn nhất thế giới với vốn đầu tư ước tính 2.900 tỷ USD năm 2010.

Các quốc gia châu Á khác cũng cho thấy sự tăng trưởng vững chắc trong hai thập kỷ qua và mối quan hệ thương mại giữa các nước trong khu vực đang phát triển so với các mối quan hệ với châu Âu và Mỹ.

Ông Stevens cho biết Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất đối với các nước giàu có nhất châu Á-Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Ông nói: "Không chỉ trung tâm hấp dẫn hoạt động kinh tế đang chuyển sang châu Á mà trọng lượng của tài sản tài chính cũng thay đổi. Càng ngày, châu Á sẽ tham gia vào thị trường phố Wall và khu vực đồng Euro như một 'đầu tàu' của thị trường toàn cầu."

Khi càng hợp nhất về kinh tế và có sức mạnh về tài chính, châu Á sẽ trở thành nơi xảy ra các "cú sốc" cho nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu thường xuyên hơn.

Tuy vậy, sự khác biệt đáng kể về chính sách giữa châu Á và các nền kinh tế phương Tây, đặc biệt về các dòng vốn và các hệ thống tỷ giá hối đoái, và việc giải quyết chúng phụ thuộc vào việc tìm ra các biện pháp đáp ứng cả hai phía.

Các nước nhỏ hơn lo ngại rằng nỗ lực giải quyết bất đồng trên cơ sở song phương có thể không được tốt cho tất cả quốc gia./.

Ngô Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục