Trung úy công an người Mông "bám bản, giữ làng"

Nhờ bám sát bản, Trung úy Thào A Minh, Công an huyện Mường Nhé, Điện Biên đã góp phần phá tan âm mưu của các đối tượng phản động.
Đôi mắt của Trung úy Minh bỗng nhiên lơ đễnh khi câu chuyện của chúng tôi chuyển dòng sang những ngày anh bám bản cùng đồng bào các dân tộc Mông, Hà Nhì chót cùng huyện Mường Nhé, Điện Biên. Lặng đi một lát, Minh, lơ lớ giọng người Mông bảo: “Ở với bà con để nắm bắt địa bàn, nhưng nhiều lúc mình cũng chảy nước mắt vì đồng bào còn khổ quá.”

Trung úy Thào A Minh cũng là một trong số các chiến sỹ công an tiêu biểu trong phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy vừa được Bộ Công an tuyên dương nhân ngày truyền thống của ngành.

Bát cơm nước trắng nghĩa tình

Năm nay mới 29 tuổi, nhưng Trung úy Thào A Minh (Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) trông già dặn hơn tuổi khá nhiều. Nước da đen nhẻm, dáng người cao đặc trưng của đồng bào người Mông vùng cao, trông Minh nổi bật giữa hàng chục chiến sỹ công an từ mọi miền Tổ quốc được vinh danh dịp này.

Trung úy Minh sinh năm 1985 tại xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. 18 tuổi, Minh được tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân và được đào tạo trong các trường Công an. Đến năm 2007, anh được phân công công tác trong đội an ninh công an huyện Mường Nhé. Thời điểm ấy, chàng trai người Mông vô cùng sung sướng vì được trở về với những bản làng ẩn hiện trong núi rừng, nơi anh đã sinh ra và lớn lên.

“Thời gian này, tôi được lãnh đạo phân công phụ trách các xã trọng điểm về tình hình an ninh trật tự của huyện Mường Nhé. Công việc đặc thù nên tôi phải liên tục di chuyển sâu vào các bản làng của đồng bào Mông, Hà Nhì… vốn nằm rất sâu trong rừng,” Thào A Minh nhớ lại.

[Giao lưu các điển hình tiên tiến vì an ninh Tổ quốc]

Ngày ấy, đường lên các xã của huyện Mường Nhé còn vô cùng khó khăn. Từ trung tâm huyện chỉ có một con đường mòn duy nhất chạy thẳng lên bản trung tâm Tả Khố Khừ. Từ đây, các đường nhánh như xương cá len lỏi giữa rừng già chĩa vào các bản làng khác. Thi thoảng, đường lại bị “xẻ” ra, cắt đứt bởi con suối Mồ Phí ầm ào nước lớn.

Ấy vậy nhưng, Trung úy Thào A Minh chưa một lần chùn bước. Ngay từ khi mới từ Hà Nội về, Minh đã cùng đồng đội chân trần cắt rừng, vượt suối để đến với đồng bào.

Nhớ về những ngày ấy, Minh vẫn chưa hết bồi hồi. Anh bảo, công việc của người công an phụ trách xã cũng không khác giáo viên cắm bản và bộ đội biên phòng là mấy. Các anh phải thường xuyên lặn lội vào các bản xa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân để có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như tình hình an ninh trật tự của địa bàn mình nắm.

Cực nhất khi mùa mưa tới. Nước rầm rập đổ xuống, cuốn phăng lớp đá cấp phối trên trục xương sống chạy từ huyện vào. Xe máy đi, bánh liên tục trượt ngang, sóng xoài ngã. Minh buộc phải cuốn xích, dây thừng vào hai lốp để đi.

“Nhưng cũng chỉ được một đoạn non nửa quãng đường là anh em sẽ phải lội bộ để tiến lên,” Minh nhớ lại.

Nhưng cũng trong chính những ngày gian khó ấy, anh thấu hiểu hơn cuộc sống của đồng bào mình.

Chưa bao giờ, Minh quên ngày đầu vào bản Huổi Khon. Khi ấy, anh tới nhà một người dân để hỏi han, nắm bắt tình hình. Bước vào nhà, Minh thấy ánh lửa bập bùng trong góc bếp. Một người đàn ông gầy nhẳng lom khom ngồi trên một khúc cây dài đang ăn cơm.

Thấy cán bộ vào, dân mừng lắm. Chủ nhà hồ hởi kéo Minh ngồi ăn cơm cùng. Và đây cũng là lần đầu tiên, Minh được biết đến bữa ăn chỉ có cơm chan với nước sôi được đựng trong một chiếc bát sắt đã hoen gỉ.

“Thế mới thấy tình cảm của đồng bào dành cho mình như thế nào. Nhưng qua đó, tôi cũng nhận ra người dân các xã huyện Mường Nhé còn khổ quá,” Trung úy Minh rưng rưng hồi tưởng.

Từ bên ngoài căn nhà, gió từ nước bạn Lào phần phật thổi qua chân tường vào khiến người ngồi ăn khẽ rung mình. Câu chuyện, bên bát cơm chan nước trắng giữa một cán bộ công an và một người dân cứ rủ rỉ hết từ chuyện nương rẫy đến chuyện bản làng cho tới tận khuya.

Sáng hôm sau, Minh quyết định trích một phần đồng lương của mình gửi lại trưởng bản để mua bát đũa, thực phẩm cho gia đình đã mời anh ăn để hỗ trợ một phần nào.

Những chuyến vào của Thào A Minh cũng là những ngày anh lên nương, cùng trồng trọt với dân; là những khi, anh xoay trần ra cõng lúa từ núi xa về nhà các hộ. Đó cũng là những chén rượu mềm môi ngày Tết cắm bản của người Hà Nhì Mường Nhé. Gần với dân, gắn bó với dân như người thân trong gia đình, anh xác định cả khi vui, khi buồn của dân anh đều phải có mặt.

“Giờ mình đang đi học trên thành phố Điện Biên. Đôi lúc cảm thấy rất nhớ những người ở bản,” Trung úy Thào A Minh cười rất tươi.

Kiên quyết bám bản, giữ làng

Bám địa bàn, hiểu địa bàn, thế nên khi điểm nóng Mường Nhé vừa nhen nhóm, Trung úy Thào A Minh ngay lập tức đã nắm bắt tình hình.

Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là huyện biên giới tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Tại đây, các thế lực thù địch luôn có các hoạt động  lợi dụng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số để gây mất ổn định tình hình.

Trung úy Minh vẫn chưa thể quên những ngày đầu tháng 5/2011. Thời điểm này, đối tượng Vàng A Ía, tự xưng là Vua Mông đã lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào dân tộc Mông nhẹ dạ nghe theo. Những người này đã tụ tập tại địa bàn bản Huổi Khon, xã Nậm Kè đòi yêu sách.

[TTXVN bác bỏ tin sai trái về tình hình Mường Nhé]

“Trước tình hình đó, tôi đã bám sát địa bàn, trực tiếp phân loại đối tượng, vẽ sơ đồ vị trí nơi tụ tập đông người, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị cùng các cơ quan ban ngành để giải tán đám đông,” Trung úy Minh cho hay.

Trung úy Minh cũng chính là người đã dẫn các chiến sỹ công an tiến hành rải ở các chốt quan trọng xung quanh xã Nậm Kè để đảm bảo ngăn chặn việc tụ tập đông người tại Mường Nhé năm 2011.

Tới tháng 6/2012, Minh tiếp tục trực tiếp tham gia kế hoạch bắt Chàng A Chớ, kẻ tự xưng là Chủ tịch nước Mông ở xã Nậm Xá-Mường Toong để xử lý. Anh cũng tham gia ngăn chặn hoạt động vũ trang do Giàng Pà Tỉnh và Thào A Lù cầm đầu hoạt động tại mốc 10, Leng Su Sìn-Mường Nhé.

[Xét xử sơ thẩm vụ “phá rối an ninh” tại Mường Nhé]

Ngoài ra, anh cũng đã tiến hàng làm rõ lai lịch 42 đối tượng liên quan đến hoạt đông “Vương quốc Mông” do Mùa Gà Dơ ở Nậm Kè tổ chức ngằm đưa vũ khí sang Lào tham gia tổ chức gọi là “Bộ Đội Mông” nhằm chiếm đất…

Chừng ấy thành tích, Minh bảo đều là kết quả của công tác bám dân. Phải thật gần gũi với đồng bào, tạo được niềm tin từ đồng bào, anh mới có thể có được những thông tin giá trị.

“Bám bản không chỉ là ăn ở cùng dân mà cán bộ công an còn phải thực sự sẻ chia với tâm tư, nguyện vọng của họ. Có thế, dân mới hiểu và mới tin cán bộ,” trung úy Thào A Minh chia sẻ.

Cũng chính bởi vậy, Minh được đồng bào các dân tộc Mông, Hà Nhì... các xã vùng cao huyện Mường Nhé trìu mến đặt cho biệt danh "cán bộ bám bản, giữ làng"./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục