Trung-Mỹ xích lại gần nhau vì phục hồi kinh tế toàn cầu

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm xoay chuyển tình thế, đặt điều kiện cho cả Trung Quốc và Mỹ phải tìm tiếng nói chung.
Trung Quốc và Mỹ bước vào cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế song phương lần này trong vị thế hoàn toàn khác. Nếu những vòng đối thoại trước, Washington luôn chứng tỏ vị trí của một nền kinh tế mạnh thường chỉ trích hành động thao túng tiền tệ của Bắc Kinh, thì lần này Trung Quốc dường như đang thay thế vị trí đó của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm xoay chuyển tình thế, đặt điều kiện cho cả Trung Quốc và Mỹ phải tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, nắm bắt cơ hội hai ngày đối thoại (27-28/7) để lấy lại lòng tin đang dần mai một, từng bước xích lại gần nhau hơn, vì sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Đối thoại Trung-Mỹ thực ra đã được tiến hành từ năm 2006 dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhưng các cuộc đối thoại chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế.

Trong các vòng đối thoại trước, chưa bao giờ có cảm giác Mỹ bị "lép vế" so với Trung Quốc như lần này. Chỉ mới đây thôi, Washington còn kêu gọi Bắc Kinh mở cửa hơn nữa thị trường, chỉ trích Bắc Kinh thao túng đồng Nhân dân tệ (NDT), định giá đồng NDT thấp hơn giá trị thực tế của nó tới 40%.

Theo Nhà Trắng, đây chính là nguyên nhân khiến thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Washington, liên tục gia tăng tới mức cao kỷ lục 266,3 tỷ USD trong năm 2008 và dự kiến còn tiếp tục tăng.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, Mỹ trở thành "con nợ" lớn nhất của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc sở hữu số trái phiếu của Mỹ trị giá hơn 800 tỷ USD. Điều đó khiến tiếng nói của Washington phần nào giảm bớt, ít nhất là trước Bắc Kinh. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, thâm hụt ngân sách của Mỹ liên tục "phình to" (ước tính khoảng 1.800 tỷ USD trong năm nay) và thâm hụt thương mại gia tăng ở mức nghiêm trọng (680 tỷ USD năm 2008).

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lo ngại về nguy cơ lạm phát và mất giá đe dọa tới lượng dự trữ USD rất lớn mà nước này đang giữ. Không dưới một lần, Bắc Kinh đề nghị sử dụng một đồng tiền khác thay đồng USD làm đồng tiền dự trữ của thế giới.

Khi Nhà Trắng "đổi chủ", Tổng thống Barack Obama nhận ra rằng ngoài vấn đề kinh tế, chính quyền tiền nhiệm còn để lại chất chồng khó khăn, từ vấn đề đối ngoại, năng lượng tới biến đổi khí hậu. Trên thực tế, thế giới vận hành không chỉ bằng vấn đề kinh tế và điều tất yếu quy mô cuộc đối thoại Trung-Mỹ đã được hai bên mở rộng.

Trong vòng đối thoại lần này, ngoài vấn đề kinh tế, hai bên cũng sẽ bàn tới các vấn đề chiến lược, toàn diện và có ý nghĩa dài hạn, như năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Với nhu cầu giải quyết cấp bách những thách thức mà hai bên đang phải đối mặt, giới phân tích ít hy vọng vào một kết quả mang tính đột phá, nhưng chắc chắn những yếu tố cơ bản để duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn sẽ được hai bên định hình lại.

Mặc dù nền kinh tế được tái thiết của Mỹ theo hướng xuất khẩu nhiều hơn, song chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, giáo sư Albert Keidel cho rằng điều đó không có nghĩa sẽ xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, ông tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ quay trở về mô hình thương mại "đôi bên cùng có lợi", trong đó Mỹ bán công nghệ, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác cho Trung Quốc, còn Trung Quốc sẽ bán hàng hóa chế tạo và các sản phẩm khác.

Tại vòng đối thoại lần này, phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ là chủ đề chính được thảo luận. Theo các nhà phân tích, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ tạo ra động lực quan trọng đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, song Mỹ cũng phải đóng góp mạnh mẽ vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Để kinh tế phục hồi bền vững, một trong những điều cần làm là Trung Quốc phải thúc đẩy nhu cầu trong nước, không phụ thuộc vào xuất khẩu, trong khi Mỹ phải đề ra một lộ trình đáng tin cậy để giải ngân các gói kích thích kinh tế khổng lồ của nước này.

Với Washington, điều quan trọng nhất là trấn an các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc. Do đó, cuộc đối thoại sẽ phải "làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và tăng cường hợp tác song phương". Chỉ có làm được như vậy, những mục tiêu dài hạn khác trong các vấn đề ngoài kinh tế mới được hai bên thúc đẩy dễ dàng.

Có vẻ như quan hệ Trung-Mỹ, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đang tiến vào một giai đoạn hoàn toàn mới, đòi hỏi hai bên rút kinh nghiệm, cải tiến biện pháp, tiến hành giao lưu bình đẳng, hiệu quả, có trách nhiệm và đáng tin cậy hơn./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục