Trường kỳ thương chiến Trung-Mỹ: Nguy cơ và thách thức của Bắc Kinh

Tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 22/6 đăng bài viết với tựa đề “Trung Quốc cần phòng bị trước một cuộc chiến tranh thương mại trường kỳ” của tác giả Ngụy Kiến Quốc.
Trường kỳ thương chiến Trung-Mỹ: Nguy cơ và thách thức của Bắc Kinh ảnh 1Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng ở Long Beach, California, Mỹ, ngày 10/5/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 22/6 đăng bài viết với tựa đề “Trung Quốc cần phòng bị trước một cuộc chiến tranh thương mại trường kỳ” của tác giả Ngụy Kiến Quốc, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc và hiện là Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 27-29/6 tại thành phố Osaka, miền Nam Nhật Bản.

Trước thông tin này, các thị trường chứng khoán của cả hai bên đều đồng loạt tăng điểm với kỳ vọng hai bên sẽ quay lại bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại.

Tuy nhiên, ông Ngụy Kiến Quốc cho rằng bất chấp những kỳ vọng đó, Trung Quốc vẫn cần phải phòng bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài, theo đó có thể kéo dài trong 30 năm hoặc lâu hơn nếu phía Mỹ tỏ ra không nhất quán và không thực thiện những cam kết của nước này.

Sau 40 năm phát triển, các mối quan hệ Trung-Mỹ đã lên tới đỉnh điểm. Một số giọng điệu ở Mỹ cho rằng chiến lược "can dự và kiềm chế" ban đầu nhằm đối phó với Trung Quốc đã lỗi thời và hiện là thời điểm để kiểm nghiệm, kiềm chế và “xé nát” Trung Quốc. Giọng điệu kiểu này đã làm câm lặng những nhân vật ủng hộ hợp tác giữa hai nước.

Sau những khúc ngoặt trước đó trong các cuộc đàm phán thương mại, động cơ và tư duy về phía Mỹ đã dần trở nên rõ ràng.

Đầu tiên, phía Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ thách thức quyền bá chủ của họ. Thứ hai, phía Mỹ đã khơi mào cuộc chiến thương mại này bằng cách tấn công ngành sản xuất của Trung Quốc. Thứ ba, phía Mỹ tin rằng đây sẽ là cơ hội cuối cùng để “hạ bệ” Trung Quốc.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã được đội ngũ cố vấn có quan điểm diều hâu đối với Trung Quốc vây chặt xung quanh. Những cố vấn này muốn Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước sự suy thoái của ngành sản xuất Mỹ và các vấn đề của tầng lớp trung lưu Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc muốn một mối quan hệ kiểu mới giữa cường quốc, trong đó sẽ không có những sự hiểu lầm, xung đột và đối đầu. Nền tảng của các mối quan hệ kiểu mới này sẽ là sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau, các mối quan tâm chính và những lợi ích chung.

Mục tiêu tối thượng của nhân dân Trung Quốc là hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa" và sự chấn hưng dân tộc. Nhu cầu cơ bản của nhân dân Trung Quốc sẽ không cản trở nước Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ sẽ không tin điều đó.

Hơn nữa, nước Mỹ đã thay đổi từ trạng thái cởi mở sang bảo thủ. Ngọn cờ tiên phong một thời của chủ nghĩa tự do nay đã chuyển sang chủ nghĩa đơn phương và bắt nạt. Uy tín của nước Mỹ đã bị hạ thấp.

[5 sai lầm cần thay đổi để chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung]

Tác giả cho rằng Mỹ không chỉ tấn công Trung Quốc về các lĩnh vực thương mại và sản xuất, mà còn nhắm vào lĩnh vực công nghệ và chính sách công nghiệp của Bắc Kinh.

Nhiều khả năng, Washington còn nhắm tới ngành tài chính ở nước ngoài của Trung Quốc. Tình hình hiện nay đã chỉ ra rằng cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi, do đó Bắc Kinh cần phải cảnh giác và thận trọng.

Dự kiến các cuộc đàm phán thương mại sẽ được nối lại khi lãnh đạo hàng đầu của hai nước gặp nhau tại Nhật Bản. Ngay cả khi các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai đạt được một số tiến triển thì Mỹ vẫn có thể ngụy tạo ra những cái cớ mới để gây áp lực với Trung Quốc.

Rất có khả năng, Mỹ sẽ “đánh đắm” thỏa thuận thương mại gần đạt được này một lần nữa. Ngay cả khi đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 thì cũng sẽ không thay đổi chiến lược nền tảng này của Mỹ đối với Trung Quốc.

Các chiến lược kiềm chế Trung Quốc trong vòng kiểm soát và duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã trở thành một sự đồng thuận giữa đảng Cộng hòa với đảng Dân chủ ở Mỹ. Trung Quốc không nên bất ngờ trước lập trường cứng rắn của nội bộ nước Mỹ đối với Bắc Kinh.

Hiện nay, Washington cần một kẻ thù tưởng tượng khi vị trí bá chủ toàn cầu của Mỹ bị lung lay. Chừng nào tư duy của phía Mỹ không thay đổi, cuộc chiến thương mại nhiều khả năng sẽ kéo dài.

Cuộc chiến này có thể kéo dài trong 30 năm hoặc thậm chí là 50 năm. Trong một cuộc chiến thương mại trường kỳ như vậy, phía Trung Quốc có lợi thế. Tổng thống Trump đã tính toán sai bởi ông chủ Nhà Trắng có thể đã nghĩ rằng Trung Quốc sẽ từ bỏ ngay bây giờ do bị sức ép cực độ.

Tuy nhiên, Bắc Kính sẽ không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ đầu hàng bởi: Thứ nhất, Trung Quốc tự tin về việc giành thắng lợi trước Mỹ.

40 năm cải cách và mở cửa đã chứng minh rằng Trung Quốc đã đưa ra những quyết sách đúng đắn. Trung Quốc cần tiếp tục cải cách và duy trì phát triển kinh tế theo định hướng thị trường, tập trung vào việc cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thứ hai, Trung Quốc cần phòng bị và lường trước những khó khăn phía trước. Một khi Mỹ áp thuế đối với phần còn lại của các sản phẩm Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, Bắc Kinh sẽ phải đưa ra các biện pháp phản đòn chính xác.

Thứ ba, chính phủ Trung Quốc cũng cần cân nhắc và xem xét đưa ra các mức trợ cấp để mở rộng thị trường trong nước. Trung Quốc hiện sở hữu một thị trường rộng lớn trong lĩnh vực vùng nông thôn vốn không bão hòa.

Cũng theo tác giả, hiện có 3 lĩnh vực mà Trung Quốc cần lưu ý đến các mối đe dọa tiềm tàng: Đầu tiên là lĩnh vực tài chính - nơi hệ thống thanh toán toàn cầu được xây dựng xung quanh đồng USD.

Do đó, Mỹ có nhiều lợi thế và ảnh hưởng hơn trên mặt trận đó; Thứ hai là ngành năng lượng - nơi Trung Quốc có sự phụ thuộc cao vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông. Do đó, Trung Quốc cần phải có một hệ thống năng lượng ổn định; Mối quan tâm thứ ba nằm ở mặt trận tư tưởng.

Nhiều khả năng, Mỹ tấn công Trung Quốc bằng những học thuyết như một cuộc đụng độ của các nền văn minh, đặt ra thách thức về lộ trình mà Trung Quốc đã chọn.

Tác giả kết luận: Trung Quốc cần phải phòng bị cho một cuộc xung đột thương mại trường kỳ hơn. Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể tìm được điểm chung khi Washington thực sự phải trả giá cho cuộc chiến thương mại này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục