Trường mầm non tư phải xứng "đồng tiền bát gạo"

Nhiều phụ huynh băn khoăn liệu chất lượng trường mầm non tư Việt Nam và quốc tế có xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra hay không.
Vừa qua, trường mầm non tư thục X. nằm ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã tạm thời bị đóng cửa để thanh tra do phụ huynh nghi ngờ con mình bị bớt khẩu phần ăn. Đây chỉ là một trong số ít trường mầm non tư thục khiến cho dư luận bức xúc.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn liệu chất lượng trường mầm non tư Việt Nam và quốc tế có xứng với "đồng tiền bát gạo" mà họ bỏ ra hay không.

Nỗi bức xúc

Khi đề cập sự việc này, nhiều phụ huynh có con học tại trường X không mặn mà. Họ có thể giãi bày tâm tư công khai trên mạng; thảo luận dài tới hàng trăm trang nhưng lại không muốn cung cấp thông tin.

Trao đổi qua điện thoại, mẹ bé Kiu (tên ở nhà của một cháu bé) nói: "Tôi đã cho cháu học ở trường công lập và không muốn nhắc lại nỗi buồn này."

Thông tin về nỗi bức xúc của các bà mẹ có con học trường X tràn ngập trên mạng và một số trang web chuyên đề. Người thì lên án mạnh mẽ về đạo đức nghề giáo đã bị bôi nhọ; người thì đau khổ vì con mình đã bị đối xử quá đáng.

Chị N.H, một phụ huynh có con học tại trường này, tâm sự: "Khi gửi con tại trường X, tôi đã hài lòng về cơ sở vật chất như sàn gỗ, gương kính để các cháu học múa, điều hòa và camera giám sát. Tôi rất ấn tượng với các cô giáo. Xảy ra sự việc trên thật là đáng tiếc."

Phải rất khó khăn chúng tôi mới có được thông tin Biên bản họp phụ huynh với trường X (ngày 17/6). Lý do họp vì các phụ huynh nghi ngờ chế độ ăn của các cháu bị cắt xén, đề nghị bà hiệu trưởng giải đáp các thắc mắc.

Tại cuộc họp, nhiều phụ huynh đã đề nghị trường công bố sổ giao nhận thực phẩm hàng ngày; công khai tài chính việc mua thức ăn; nguồn gốc xuất xứ thực phẩm. Đặc biệt là giải trình tiền suất ăn 25.000 đồng/cháu/ngày...

Trước vấn đề này, bà hiệu trưởng trường X đã nhận sai sót do không chứng minh được nguồn gốc thực phẩm; xin lỗi về thiếu hóa đơn sổ sách, hóa đơn đỏ. Tuy nhiên, bà không nhận đã ăn bớt tiền ăn của các cháu.

Không đồng tình với câu trả lời này, nhiều phụ huynh đã đưa ra dẫn chứng công khai số tiền mà trường đã mua thực phẩm hàng ngày. Vì vậy nhà trường đã chấp nhận đền bù mỗi cháu từ hơn 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trong vòng 6 tháng.

Trường tư: Đáp ứng nhu cầu lớn về chỗ học mầm non

Dù cơ quan chức năng có kết luận thế nào về sự việc trên thì cũng không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của hệ thống trường mầm non tư nói chung.

Không ít người làm trong lĩnh vực giáo dục phải khẳng định về lợi thế của hệ thống trường mầm non tư, đặc biệt là mầm non quốc tế về sĩ số lớp học, điều kiện ăn uống, chăm sóc và giảng dạy chất lượng cao.

Anh Thành Đoàn - hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Gia (Hà Nội) cho hay nhà trường đặc biệt chú trọng khâu ăn uống, đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu.

Hoàng Gia đã ký hợp đồng cung cấp thịt ở Hapro, gạo của Hương Việt, các loại gia vị được mua tại siêu thị... Mỗi khi đơn vị tiếp phẩm mang đồ đến, nhà trường đều cử kế toán kiểm tra; nhà bếp giám sát định lượng, sau đó sẽ có một chữ ký của người thứ 3 (có thể là giáo viên, giám hiệu hay phụ huynh).

Để nâng cao chất lượng uy tín của trường mầm non tư thục, đặc biệt là mầm non quốc tế sao cho xứng với "đồng tiền, bát gạo," Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã từng mời 36 trường mầm non quốc tế tới dự họp để trao đổi và nghe kiến nghị của nhà trường muốn nhận được sự hỗ trợ của ngành giáo dục để hoạt động tốt hơn.

Theo các trường mầm non quốc tế, do phải thuê cơ sở hạ tầng với chi phí rất cao khiến cho học phí hàng tháng không rẻ, giá thấp nhất là 300 USD/tháng, chưa tính tiền ăn. Điều này cũng gây tâm lý cho phụ huynh khi muốn gửi con.

Hiệu trưởng một trường mầm non trên phố Đội Cấn, Hà Nội cho hay quy định để mở trường mầm non, ngành giáo dục không phân biệt trường tư hay công lập. Khi cấp quận hay phường nhận được Đề án mở trường học đều phải có Phòng Giáo dục tại địa bàn đó thẩm định. Vì vậy, nếu như trường mầm non tư cũng nhận được một số ưu đãi như công lập thì các cháu sẽ có thêm điều kiện được chăm sóc và học hành mà học phí lại giảm.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 của giáo dục mầm non mới đây, tiến sĩ Lê Thị Minh Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, ngành giáo dục mầm non vẫn còn gặp phải hạn chế như việc quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non ở một số địa phương còn chậm, nhiều địa phương còn chưa dành được quỹ đất cho xây dựng trường lớp.

Thêm vào đó, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ giữa các vùng miền chưa đồng đều, số lượng trẻ 5 tuổi được học chương trình giáo dục mầm non mới của cả nước còn thấp. Việc chuyển đổi loại hình ở một số địa phương còn chậm và lúng túng. Đội ngũ giáo viên ở một số nơi còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đời sống giáo viên ngoài biên chế còn gặp nhiều khó khăn.

Ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, đội ngũ giáo viên thiếu ổn định, khó tuyển dụng vì thu nhập thấp.

Hiện nay, toàn quốc có hơn 12.700 trường mầm non, tăng gần 350 trường so với năm học trước, trong đó, có gần 7.350 trường công lập (chiếm 57,8%), hơn 5.350 trường ngoài công lập (chiếm tỷ lệ 42,2%). Như vậy có tới gần một nửa hệ thống trường mầm non trên cả nước là hệ thống ngoài công lập.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những trường ngoài công lập đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết chỗ học trong mầm non./.

Minh Phương-Lê Vân (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục