Trường ngoài công lập sẽ "dễ thở" trong tuyển sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận thực tế đang tồn tại nhiều bất lợi cho các trường ngoài công lập và cam kết sẽ tìm cách gỡ khó cho khối đào tạo này ngay thời gian tới.
Chiều nay, ngày 5/3/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo để thông tin về kết quả cuộc họp giữa Bộ và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vừa được tổ chức sáng nay, tại Hà Nội. Cuộc họp nhằm tìm giải pháp giải cứu các trường đang lâm vào cảnh khó khăn trong tuyển sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi thẳng thắn tất cả lĩnh vực và các vấn đề để tìm hướng tháo gỡ để các trường ngoài công lập làm tốt hơn công việc của mình.

Hiệp hội kiến nghị hai vấn đề lớn là khó khăn trong tuyển sinh và vướng mắc trong cơ chế chính sách về đất đai, thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Muốn xét tuyển phải có đề án


Về vấn đề tuyển sinh, Hiệp hội cho rằng những năm gần đây tuyển sinh các trường gặp khó khăn. Năm 2012, nhiều trường đạt mức độ thấp, có nguy cơ dừng hoạt động khi không đủ người học, tài chính yếu. Nguyên nhân theo các trường là cơ chế điểm sàn của Bộ chưa hợp lý, dẫn tới nguồn tuyển thu hẹp, không tuyển đủ. Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh cũng phải thay đổi.

Theo đó, các thành viên Hiệp hội để xuất Bộ bỏ điểm sàn hoặc có điểm sàn ở nhiều mức độ khác nhau, với từng nhóm trường, từng khu vực, ngành nghề.

Về phương thức tuyển sinh, Hiệp hội kiến nghị Bộ thực hiện Điều 34 của Luật Giáo dục đại học về cho phép các trường được tự quyết định hình thức tuyển sinh. Cụ thể, gồm có ba hình thức là xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Nếu được thực hiện, các trường sẽ chọn hình thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội, xét tuyển không phải là hình thức mới mẻ trong nền giáo dục Việt Nam mà đã có nhiều năm. Các trường như Đại học RMIT, Đại học Việt – Đức, Đại học Việt – Pháp hiện đang tuyển theo hình thức xét tuyển từ kết quả học tập bậc phổ thông. Có cả những thí sinh không thi đỗ trong kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng vẫn được xét tuyển vào trường.

“Thực tiễn đã có, nay Luật Giáo dục đại học có hiệu lực cũng quy định vấn đề này, vậy đề nghị Bộ giao quyền cho các trường tự quyết định, tạo sự bình đẵng giữa trường Việt Nam và trường nước ngoài,” ông Quân nói.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định Bộ ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng, có thể thi, xét tuyển hoặc kết hợp, làm như thế nào thuyết phục, đảm bảo công bằng, không xảy ra học thêm dạy thêm, làm thế nào để xã hội giám sát và yên tâm chất lượng.

“Luật không cấm. Nếu các trường có phương án cụ thể, Bộ thấy hợp lí sẽ cho triển khai,” ông Ga nói. Tuy nhiên, ông Ga cũng bày tỏ lo ngại việc các trường ngoài công lập có cơ chế tuyển sinh riêng sẽ tạo sự phân biệt của xã hội. Giao cơ chế tuyển sinh dễ dãi khác trường công lập thì chỉ giải quyết được vấn đề tuyển sinh trong một vài năm, nhưng sau xã hội không thừa nhận thì tình hình sẽ trầm trọng hơn và có thể bế tắc.

“Trong khi đó, kỳ thi ba chung đang được đánh giá cao về mặt nghiêm túc và từ nay đến năm 2015 vẫn tổ chức thi đại học theo phương thức ba chung. Bộ khuyến cáo Hiệp hội hết sức cân nhắc,” Thứ trưởng Ga nói thêm.

Cũng theo ông Ga, có thể sau năm 2015, chất lượng phổ thông và thi tốt nghiệp cải thiện, sách giáo khoa đã đổi mới, một số trường sẽ có thể xét. Thi áp dụng các trường tốp trên, các trường có thể thi nhiều môn. Việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét có thể tính đến.

Sẽ nghiên cứu điểm sàn hợp lý

Về vấn đề điểm sàn, Thứ trưởng Ga cho biết, mặc dù tính toán điểm sàn dôi dư lớn nhưng sự dịch chuyển của thí sinh không tính toán được chính xác nên đã gây khó khăn. Bộ đã thấy, sẽ xây dựng làm sao các trường và địa phương đủ nguồn tuyển.

Bộ đang trong tiến trình nghiên cứu mức điểm sàn hợp lý. Báo Giáo dục thời đại và Dân trí đang mở diễn đàn điểm sàn để kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiến kế. Cách xây dựng điểm sàn mới sẽ đảm bảo chất lượng tối thiểu và nguồn tuyển không khó khăn.

Tuy nhiên, ông Ga cũng cho rằng, trên thực tế, nhiều trường ngoài công lập vẫn tuyển sinh rất tốt như Đại học Hoa sen, Đại học Duy tân, Đại học Thăng long…do có sự đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, được người học tín nhiệm. “Các trường cũng có trách nhiệm tạo dựng uy tín bằng nhiều cách khác nhau để thu hút người học,” ông Ga nói.

Trả lời báo chí về việc sẽ có nhiều trường đại học phải giải thể, Thứ trưởng Ga khẳng định: “Nguyên tắc là không thể hy sinh chất lượng”. Ông Ga cũng thừa nhận trong thời gian qua đã mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng, dẫn đến các trường tranh nhau nguồn tuyển và cho biết, từ nay đến năm 2020, quy mô đại học cơ bản sẽ không tăng.

Kiến nghị Chính phủ ưu tiên tài chính

Về vấn đề cơ chế chính sách, theo Thứ trưởng Ga, chính sách ưu đãi về thuế đất, giải phóng mặt bằng cho các cơ sở giáo dục đào tạo các địa phương chưa thực hiện được, chưa địa phương nào giao đất sạch cho các trường.

Ưu đãi khác về đất đai, quyền lợi… đã ghi rõ trong Luật giáo dục. Hiệp hội đề xuất giao đất có dân, trong thành phố để tuyển được học sinh, tránh tình trạng trường xa khu dân cư, giữa cánh đồng nên cơ sơ vật chất tốt nhưng vẫn không tuyển đủ như Đại học Hà Hoa Tiên. Tuy nhiên, vấn đề đất đai thuộc địa phương xử lí. Địa phương và trường thống nhất với nhau nếu không thỏa mãn thì không thành lập trường.

Về thuế, Hiệp hội cho rằng mức thuế 25% là quá cao và kiến nghị cho hưởng chính sách thuế ưu đãi. Bộ đã gửi lên Bộ tài chính và Chính phủ đề xuất tất cả các trường được hưởng mức 10%, giúp các trường có thêm điều kiện về tài chính để hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Quân, giảm được 10% thuế, Luật cũng quy định trong khoản chênh lệch giữa thu và chi phải dành 25% để tái đầu tư. “Như vậy khoản phải trích ra là 35%, xét ở góc độ nhà đầu tư thì không nhẹ, không khuyến khích được họ,” ông Quân nói.

Bên cạnh đó, cũng về vấn đề tài chính, ông Quân kiến nghị việc cần có sự bình đẳng giữa sinh viên công lập và ngoài công lập. Theo ông Quân, mọi công dân đều đóng thuế như nhau nhưng người học công lập được Nhà nước đầu tư cấp kinh phí, trong khi sinh viên ngoài công lập lại phải tự lo 100%, cộng thêm cả phần đóng thuế của trường. Điều này là không công bằng.

Với những kiến nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận đó là cái khó cho các trường ngoài công lập nhưng do không thuộc thẩm quyền nên Bộ sẽ tổng hợp để đề xuất Chính phủ tháo gỡ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi tổ chức trao đổi giữa hai bên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có báo cáo trình Chính phủ trước ngày 15/3/2013.

Như vậy, có thể thấy trong thời gian tới, hoạt động của các trường ngoài công lập có thể sẽ "dễ thở" hơn với nguồn tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết là sẽ dồi dào hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố trước mắt. Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao đội ngũ giảng viên, đảm bảo chất lượng đào tạo, khẳng định được thương hiệu với người học mới là yếu tố bền vững để đi đường dài./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục