Trường thi đại học biến thành… chợ phiên

Bia hơi, trà đá phục vụ phụ huynh và sĩ tử ngay trong sân trường. Phía ngoài cổng cũng đủ loại đồ ăn từ bánh mì, kem… đến cháo lòng.

Bia hơi, trà đá phục vụ phụ huynh và sĩ tử ngay trong sân trường. Phía ngoài cổng cũng đủ loại đồ ăn từ bánh mì, kem… đến cháo lòng. Kẻ đứng người ngồi. Hàng rong, ăn xin, cò nhà trọ hoạt động huyên náo. Trường thi phút chốc đã thành phiên chợ.

Quán bia “mọc” giữa sân trường

Ngay từ tờ mờ sáng, sân Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được một số hộ dân trưng dụng mở quán với những chủng loại hàng phong phú, từ trà đá, bim bim, lạc rang đến bia hơi.... Ghế nhựa bày la liệt.

Khách ngoại tỉnh thì ngồi với cốc trà đá nhạt thếch có giá… 5.000 đồng. Khách sang hơn có chai bia Hà Nội. Chốc chốc, mấy vị phụ huynh quần xắn cao, mồ hôi nhễ nhại lại rủ nhau kéo một hơi dài thuốc lào khét lẹt, tiếng rít điếu kêu lọc sọc.

Bên ngoài, lực lượng cò nhà trọ và ăn xin cũng hoạt động tấp nập. Xe cộ ngổn ngang. Tiếng cười nói ồn ào.

Tại điểm Trường Trung học phổ thông Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ngay từ 6 giờ 30 đã có rất đông thí sinh cùng người nhà tập trung trước cổng. Hai dãy vỉa hè dọc đường Ngụy Như Kon Tum được trưng dụng làm chỗ để xe lưu động.

8 giờ, thí sinh làm thủ tục khá suôn sẻ trong phòng thi, nhưng phía bên ngoài, các bậc phụ huynh lại bắt đầu “cuộc chiến” với… hàng rong. Tại điểm thi Đại học Công Đoàn, toàn bộ khu vực vườn hoa phía trước đã bị đội ngũ hùng hậu những người bán nước ngọt, bánh mỳ dạo, kem, thậm chí cả… cháo lòng chiếm giữ.

Phụ huynh đứng trước quán sẽ được nhận được những lời “mời khéo” sang nơi khác. Giá mỗi cốc trà đá trong buổi sáng tại khu vực này đã tăng gấp 2, 3 lần ngày thường, lên tới 4.000 đồng/cốc.

Tờ rơi ngập phố

Tại địa điểm thi các trường Đại học Thương Mại, Đại học Sư phạm I, hàng chục nhân viên phát tờ rơi túc trực từ sáng sớm. Chỉ trong vài tiếng ngồi chờ con vào làm thủ tục thi, nhưng bác Nguyễn Thu Xuân (Đồng Xa, Mai Dịch, Hà Nội) nhận được khoảng 30 tờ rơi quảng cáo các loại dịch vụ như ôn thi du học, quản trị mạng, cẩm nang điện thoại… “Đưa con đi thi mà như đi hội chợ vậy”, bác Xuân chán nản nói.

Không chỉ phụ huynh ở ngoài cổng trường, thí sinh nào ra khỏi phòng thi cũng cầm trên tay một tập đủ các loại tờ rơi. Trong đó, đa số là các loại tờ rơi giới thiệu về các trường trung cấp, cao đẳng… Một sĩ tử than phiền: “Chưa thi mà đã dự bị cho “sự trượt” làm em mất hết tinh thần thi đấu”.

Có những sinh viên tình nguyện cũng hớn hở trở thành nhân viên phát tờ rơi. Cầm một xấp tờ rơi trên tay, Nguyễn Minh Đức, sinh viên trường Đại học FPT cười tươi nói: “Đây là dịp tốt nhất để quảng cáo tên tuổi của trường mình mà”.

Tới 9 giờ, phía trước cổng Trường Thương Mại, Thủy Lợi, Công Đoàn đã trở thành… bãi rác.

Còn tại cổng trường Đại học Sư phạm I và Đại học Quốc gia thì đội ngũ nhân viên bán “tăm tre tình thương” xuất hiện còn … sớm hơn cả các sĩ tử. Lực lượng này có khoảng 20 người, đứng ở ngay trước cổng trường để chèo kéo phụ huynh và các sĩ tử.

Do được dán nhãn “tăm tre tình thương” nên nhiều sĩ tử đã không ngần ngại rút ví 10.000 – 20.000 đồng để “ủng hộ”. Tuy nhiên, khi được hỏi, những người này cũng không ngại ngần thừa nhận họ không phải bán tăm cho hội người mù hay với mục đích nhân đạo mà là kinh doanh.

Vẫn chưa hết ngái ngủ, em Bùi Văn Phú (Vụ Bản, Nam Định), ngồi gục đầu, thu lu ở một góc trường Đại học Khoa học Tự nhiên mệt mỏi nói: “Các anh chị đi thi năm trước đều cảnh báo có thể tắc đường ngay ngày đầu. Nhưng tắc đâu chưa thấy, chỉ thấy đông nghịt những hàng rong, tăm tre, tờ rơi. Em nhìn mà chóng mặt”./.

Sơn Bách – Nguyễn Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục