Trong ký ức của những người Hà Nội ở độ tuổi ngoài 50 vẫn còn lưu giữ hình ảnh những cửa hiệu vẽ truyền thần nằm trên những con phố cổ. Ở đó, một không gian nho nhỏ, nói đúng hơn là chật hẹp vẫn treo đầy những bức ảnh truyền thần bằng bột đen… đa số là ảnh chân dung của những nghệ sĩ tên tuổi thế giới và của những người xưa cũ, khăn xếp, áo the… Đâu đó trên giá là những bức vẽ ảnh thờ dang dở đang chờ hoàn thiện…

Nhưng rồi cùng với thời gian, như một tất yếu khi mà nhiếp ảnh cùng với công nghệ tiên tiến đi kèm ngày càng phát triển thì những tiệm truyền thần cứ thưa vắng dần… cho đến một ngày, dường như đã biến mất khỏi không gian phố cổ, biến mất khỏi đời sống thường nhật… Bỗng một ngày, người cũ đi qua phố xưa, thấy thiếu, thấy nhớ và chợt tự hỏi, nghề truyền thần giờ ra sao? Liệu nó có còn tồn tại trong cuộc sống đương đại hôm nay? Và nếu còn thì sẽ còn lại bao lâu?

Tranh truyền thần được định nghĩa là một thể loại hội họa mà người họa sỹ truyền lại cái “thần” của người được vẽ, có nghĩa là truyền đạt được cảm xúc, thần thái thông qua tác phẩm. Có hai loại truyền thần, một là vẽ lại từ một bức ảnh và là vẽ theo sự mô tả của người đặt hàng. Dù là ở thể loại nào thì cũng đều đòi hỏi người họa phải vô cùng kiên trì, cần mẫn để truyền được thần thái của người được vẽ mà quan trọng nhất là nghệ thuật điểm nhãn. Đây là nét độc đáo trong các bức tranh truyền thần mà không một loại tranh nào khác có.

Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, truyền thần thực tế không chỉ tồn tại duy nhất ở Việt Nam, mà nó còn gắn liền với một giai đoạn đáng nhớ của lịch sử. Đó một giai đoạn không bao giờ lặp lại – “là thời không có cái riêng, không có cá tính, không có mốt tóc, mốt quần mốt áo. Thế mới thấy truyền thần là khó, vẽ họ khác nhau mà vẫn phải toát lên cái gì đó  giống nhau, vẽ họ để thấy họ chứ không vẽ họ để thấy mình.”

“Chỉ ở Việt Nam trong một thời điểm nhất định thì nghề truyền thần mới có sự bùng nổ, đó là thời mà nhiếp ảnh còn là trò xa xỉ, không phải ai cũng có tiền để phóng to một bức ảnh, khi mà đời sống còn nghèo khó, khi mà chiến tranh liên miên, khi mà người chết nhiều quá, người chết nhiều hơn người sống, ở một đất nước mà việc thờ cúng những người đã khuất là một thứ đạo thì đó chính là những lý do để truyền thần ra đời,” họa sỹ Lê Thiết Cương nhận xét.

Họa sỹ Nguyễn Bảo Nguyên – một tên tuổi kỳ cựu của nghề vẽ truyền thần tại phố cổ kể lại rằng, vào những năm 1960, nghề truyền thần “bùng nổ” do nhu cầu làm ảnh thờ bị dồn lại suốt một thời gian dài. Người lính Việt Nam hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, cha mẹ già yếu qua đời nơi hậu phương, gia đình mong có bức ảnh trang trọng đặt trên bàn thờ. Đó là những bức vẽ không chỉ phải giống, mà còn phải truyền tải được thần thái của một người mà họa sỹ đó chưa từng gặp, đôi khi là qua bức ảnh rất bé, rất cũ hoặc là qua lời tả của người thân.

Gọi là “bùng nổ,” chứ truyền thần vốn tốn thời gian và mất nhiều tiền. “Nếu không thật cần thiết, chẳng ai lại đi thuê vẽ truyền thần,” cụ Bảo Nguyên chia sẻ.

“Thời đó, nhu cầu vẽ vẽ truyền thần nhiều tới nỗi tiền công vẽ còn cao hơn lương kỹ sư nhiều lần. Trong khi lương kỹ sư chỉ có 50 đồng/tháng thì bằng vẽ truyền thần, tôi kiếm được 250 đồng, đủ nuôi một gia đình với 10 miệng ăn,” cụ Bảo Nguyên nhớ lại.

Theo nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, dẫu khi xưa truyền thần là vẽ từ một bức ảnh nhỏ thành tranh lớn, nhưng người ta vẫn dùng chữ ‘truyền thần’ chứ không phải ‘phóng to.’ Tôi cho rằng đây là một từ rất hay. Nó đã đi theo dân tộc này từ trước khi nghề chụp ảnh phổ biến. Người ta đã vẽ trực tiếp rất nhiều, người ta cũng vẽ trong tưởng tượng nữa.”

Nhà thơ cũng kể lại một ấn tượng về nghề truyền thần vào thời cuối năm 1972 mà theo ông, đây cũng là một câu chuyện mà “chỉ Việt Nam mới có.” Khi ấy, người chết vì sự kiện 12 ngày đêm Mỹ đánh bom Hà Nội nhiều vô cùng. Một người bạn của ông Thụy Kha là họa sỹ Mạnh Kiểm đã ngồi vẽ liên tục hết ngày này qua ngày khác cho biết bao nhiêu người, vẽ đến nỗi thay đổi tâm thức trong đầu. “Thậm chí có thể gọi là điên,” ông Thụy Kha nhận xét. “Vì ông ấy vẽ truyền thần quá nhiều, bị chuyển thức thành một người khác. Trong nước ta, có lẽ ông Mạnh Kiểm là người vẽ nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất.

Thế rồi chiến tranh cũng lùi vào những trang sử cũ. Đó cũng là khi nhiếp ảnh trở nên phổ biến. Từ những năm 80, 90, đất nước sang trang, bước vào đời sống mới, nhu cầu mới mở ra. Các tiệm vẽ truyền thần trên phố cổ Hà Nội giảm từ 40-50 tiệm xuống còn một nửa, rồi tiếp tục giảm đến mức chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, giờ chỉ còn một tiệm ở địa chỉ 51 Hàng Đào.

Nghề xưa cũ ở Hà Nội, gắn liền với định danh phố cổ, nay nhường chỗ lại cho những cửa hàng kinh doanh khác mà thường gặp nhất là quần áo thời trang…

Những “dấu ấn” còn lại về nghề truyền thần trên phố cổ Hà Nội: Ảnh bên trái, treo biển “Truyền thần Hà Nội” là tiệm 51 Hàng Đào, ở giữa và bên phải là các tiệm nổi tiếng lâu đời 24 Hàng Đường và 47 Hàng Ngang hiện nay. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Cụ Bảo Nguyên sinh năm 1934 tại Hà Nội, có lẽ là nghệ nhân vẽ truyền thần lớn tuổi nhất phố cổ mà đến nay còn theo nghề. Khách hàng tìm đến địa chỉ cũ ở 47 Hàng Ngang giờ đây chỉ còn thấy ngôi nhà bị quây tôn xanh như công trình xây dựng.

Ba năm trước, cửa tiệm của cụ Bảo Nguyên bị cháy. Nguyên nhân được thông báo là chập điện. Ngoài một số bức vẽ gia đình được cụ cất riêng, phần lớn những bức lớn nhỏ khác treo trong không gian chật hẹp dưới 10m2 đều chịu cháy hoặc bị nước phun vào làm quăn hỏng nhiều.

Căn tiệm để lại một biển thông báo chuyển địa điểm để khách liên hệ nếu có nhu cầu. Đó là nhà riêng của cụ Bảo Nguyên tại con ngõ 167 Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ở tuổi 88, cụ Bảo Nguyên vẫn túc tắc đi lại, chậm rãi nhưng vững chắc, không phải vịn, tựa vào đâu. Phòng vẽ của cụ trước ở tầng ba, nay chuyển xuống tầng hai, ở một góc trong phòng ngủ của hai vợ chồng cụ để tiện lên, xuống nhà khi có khách đến gặp, đặt cụ vẽ.

“Văn phòng” mới của cụ Bảo Nguyên cũng chính là nơi mà cụ nghỉ ngơi hàng ngày. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Gọi là một góc, nhưng ngoài cái giường và cái tủ thì những không gian còn lại đều dành cho đồ vẽ. Ở đó, là bức vẽ hai anh em cậu bé con lai Âu-Việt của một gia đình đa quốc tịch nọ, có hình vẽ chân dung một diễn viên lớn tuổi người Thụy Điển do một người Mỹ đến đặt vẽ làm quà tặng, có người họ hàng cụ chỉ vẽ cho vui, có cặp vợ chồng lão niên được vẽ ảnh thờ… tất cả còn mới rượi.

Ngồi vào giá vẽ, cụ bảo nghề này tuổi già mỏi mắt, tay run, không ngồi được lâu thì không theo được. Cũng cũng chính sự bền bỉ với nghề mà đôi bàn tay cụ giờ vẫn khéo léo vững vàng, đôi mắt không hoen nhòe khi tập trung vẽ lâu, trí tuệ minh mẫn. “Khách một thời cũng ít, thậm chí có thời điểm hầu như không có khách. Một phần là do giá cả và thời gian. Một bức truyền thần dao động từ một triệu hơn đến 3 triệu đồng, thậm chí có bức lên tới hàng chục triệu đồng nếu vẽ tranh lớn, nhiều người. Trong khi đó, một bức ảnh chụp được xử lý trên máy tính chỉ tốn từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Để vẽ một bức cũng phải 2-3 ngày trong khi xử lý công nghệ photoshop thì chỉ vài chục phút đến 1 tiếng nên ít người chọn truyền thần là đương nhiên,” cụ Bảo Nguyên chia sẻ.

Dù bây giờ lượng khách đã trở lại nhiều hơn, nhưng cụ Bảo Nguyên cũng không có ý định trở lại tiệm cũ nơi phố cổ Hàng Ngang. “Sức khỏe tôi giờ kém xưa, giờ dọn lại lên phố thì nhiều đồ đạc quá, làm ở nhà thi thoảng mệt lại ngả lưng ra giường nghỉ ngơi, đỡ thì lại quay ra giá vẽ làm việc tiếp. Vả lại, khách quen lạ vẫn theo biển báo mà đến đây…” cụ tâm sự.

Tiệm 24 Hàng Đường của họa sỹ Trần Thịnh, nơi ông đã vẽ hơn chục nghìn bức trong suốt gần nửa thế kỷ nay, cũng không còn là nơi ông chọn làm nghề. Con phố Hàng Đường đông đúc không khí kẻ chợ đã trở nên ồn ào quá mức với người họa sỹ 68 tuổi. Ông chọn chuyển về nhà riêng tại 126 Nghi Tàm, một căn nhà biệt lập nằm ở con đường dưới đê.

“Dẫu cách biệt với mặt đường chỉ một lớp cửa kính nhưng quả thật yên ắng hơn hẳn. Ở tuổi này mình lại cần một sự tĩnh lặng như vậy,” ông Thịnh nói. Hàng ngày ông nhẩn nha vẽ. Những khách hàng, người thân quen nghe danh lâu đời nên cũng lần theo địa chỉ mà tìm đến ông.

Phố cổ giờ đây còn lại cửa tiệm vẽ truyền thần duy nhất của họa sỹ Thế Dung nằm ở số 51 Hàng Đào.

Nhưng dù phố nghề không còn, thì nghề vẫn đó. Đến nhà những họa sỹ theo nghề như cụ Nguyên, ông Thịnh, ông Dung… vẫn thấy  trên giá vẽ, bàn làm việc, khung gỗ cạnh bàn, trên đất những bức ảnh đang được hoàn thiện hoặc đã xong mà khách chưa đến lấy…

Dẫu ít nhưng ngày nay, vẫn còn đâu đó những người tin vào giá trị của một bức tranh truyền thần, đó có thể là một vị lão niên đã đi qua thời chiến tranh hay cũng có thể là một trung niên lớn lên trong thời bình. Với những người này, họ cho rằng phải là tranh vẽ cẩn thận, tỉ mẩn như truyền thần mới xứng làm tranh thờ cúng.

Vào một chiều mùa Thu, một người đàn ông 75 tuổi, tên Nguyễn B. đội mũ bộ đội bước vào tiệm vẽ truyền thần tại số 51 Hàng Đào để nhận về bức tranh ông đặt vẽ để thờ cha. Đây là một trường hợp khá đặc biệt bởi bức ảnh mẫu được dùng để truyền thần đã qua xử lý máy tính do bức ảnh gốc không còn ai giữ được.

Những nét thử bút, giảm độ đậm nhạt trên giá vẽ truyền thần. (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Chiếc ảnh mẫu mà ông Nguyễn B. mang đến thực chất rất rõ nét. Do gia đình không giữ được tư liệu ngày xưa của cụ, nên các chi tiết đã được tiệm ảnh tái tạo, phục dựng hoàn toàn từ mô tả và đường nét trên mặt của các thành viên gia đình.

Theo ông Nguyễn B. không muốn dùng luôn bức ảnh hiện có để làm ảnh thờ, bởi với ông tranh truyền thần mang một giá trị tinh thần lớn lao. Đây cũng đã là truyền thống lâu đời trong gia đình ông. “Ảnh này là dựng,” ông giơ bức hình lên. “Tôi phải đi hỏi bao nhiêu người trong nhà, tập trung ý kiến của các anh em ruột, con cháu, xem giống ai nhất, có nét mặt thế nào… rồi phục chế lại. Gia đình nhà tôi vẫn giữ nếp gia phong từ xưa đến giờ, từ xưa đến giờ truyền lại ảnh của các cụ đều là vẽ truyền thần hết” ông Nguyễn B. kể.

Ông bảo sau này cũng sẽ gửi thêm ảnh hai vợ chồng mình hồi trẻ để vẽ theo đúng lối truyền thống này. Đó cũng là niềm tin gửi gắm ở người họa sỹ và phong cách vẽ xưa cũ, là truyền thần sao cho bức ảnh ở độ tuổi nào cũng có thể làm “già đi” dưới bàn tay tài tình của họ – một đặc điểm rất riêng của nghề.

Một người trung niên như anh Hoàng Tuấn Anh (quận Hoàn Kiếm) cũng có cùng niềm tin với tranh truyền thần. Tháng 9/2022, anh mang tới tiệm vẽ của họa sỹ Trần Thịnh một bức tranh vẽ cụ thân sinh của mình. Anh muốn nhờ ông Thịnh chỉnh giúp cho bên má bầu, tròn hơn một chút.

Bố anh Tuấn Anh mất năm 60 tuổi nhưng gia đình chỉ còn một bức ảnh nhỏ từ năm 20 tuổi. Ông Thịnh phải hình dung ra gương mặt của người đàn ông ngoài lục tuần rồi thêm những nếp nhăn khóe mắt, khóe miệng và mái đầu bạc.

Sau khi nhận ảnh về lần đầu, anh chị lại mang qua để nhờ ông chỉnh cho gương mặt bố trông bầu hơn một chút. Ông Thịnh nhẹ nhàng tô chiếc bút tự chế vào viền khuôn mặt, chỉnh lại vài đường, nắn sửa tỉ mỉ cho phần má rộng ra một chút. Sau một lúc dõi theo họa sỹ thì vợ chồng anh Tuấn Anh thốt lên: “Đúng rồi đấy ạ, giống rồi đấy chú ạ,” thì ông Thịnh cũng nở một nụ cười nhẹ, ngắm tác phẩm rồi trao lại cho hai người khách.

Theo họa sỹ Trần Thịnh, sau một thời gian “trống vắng” gần đây những người chọn truyền thần thay vì phục chế ảnh trên máy tính như anh Tuấn Anh đã ngày một nhiều lên. “Họ nhận ra rằng làm trên máy tính ảnh thiếu đi phần hồn, không phục dựng lại thần thái được như truyền thần. Cũng bởi đa phần các kỹ thuật viên photoshop không phải là họa sỹ, họ rất thạo công nghệ, nhưng thiếu đi con mặt nghệ sĩ,” ông nhận xét.

Nhưng đặc thù hơn cả, có lẽ phải kể đến bức vẽ truyền thần những nhân vật lịch sử do cụ Bảo Nguyên thực hiện. Đầu năm 2022, một người xưng là hậu duệ của thái sư Lê Văn Thịnh đến gửi gắm cụ vẽ một bức truyền thần toàn thân để đặt trong nhà thờ họ.

Từ những hình dung về một thầy đồ nghèo ở độ tuổi ngoài 50, đội khăn xếp ra sao để trông trán vẫn rộng, toát lên vẻ thông minh nhưng vẫn nghiêm nghị… cụ Bảo Nguyên dùng sự nhạy bén, sáng tạo của mình và cả thời gian dài tìm hiểu thái sư Lê Văn Thịnh qua những trang sử để chuyển hóa hình dung lên tờ giấy.

“Bút” vẽ từ đũa và bông – một trong vô vàn họa cụ tự chế của họa sỹ truyền thần Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trước đó, cụ cũng từng được gửi gắm các bức vẽ nhà sử học Ngô Sĩ Liên, ông nghè Vũ Tông Phan. Nghe danh cụ từ lâu nên họ tìm đến và tin tưởng gửi gắm cụ để vẽ. Đến nay cụ vẫn vẽ trung bình mỗi tháng trên dưới 30-40 bức, vừa để tự duy trì tay nghề, vừa vẽ để phục vụ người có nhu cầu.

Phố cổ giờ đây còn lại cửa tiệm vẽ truyền thần duy nhất nằm ở số 51 Hàng Đào được họa sỹ Thế Dung thuê để tiếp tục sống với nghề. Theo sự thay đổi của thời thế, số người tìm đến vẽ truyền thần làm ảnh thờ đã giảm đi rất nhiều nhưng dẫu phố nghề không còn, thì nghề vẫn đó. Đến nhà những họa sỹ theo nghề như cụ Nguyên, ông Thịnh, ông Dung… vẫn thấy  trên giá vẽ, bàn làm việc, khung gỗ cạnh bàn, dựng góc tường… là những bức vẽ còn tươi màu mực. Và, trong sự chuyển đổi đó, nghề truyền thần cũng tự tìm cho mình lối đi mới…

Đầu tiên là sự chuyển dịch từ vẽ ảnh thờ sang chân dung… “Ở thời mà nhu cầu vẽ truyền thần làm ảnh thờ đã giảm mạnh, truyền thần đã rẽ sang nhánh mới. Đó là nhánh vẽ chân dung các tài tử điện ảnh, các ngôi sao ca nhạc, thể thao, như Marilyn Monroe, Che Guevara, Ricky Martin, David Beckham… Việt kiều ở các xứ thuộc Pháp thì ưa chuộng tranh truyền thần chân dung Nam Phương Hoàng Hậu, vua Bảo Đại hoặc các cô gái Bắc kỳ trên từ bưu ảnh cũ…” họa sỹ Lê Thiết Cương kể lại.

Đối diện gò Đống Đa thời đó cũng có một cửa hàng tranh truyền thần treo chân dung nhiều người nổi tiếng như Tạ Bích Loan, Đan Trường, Minh Vượng… Hay có cả những đôi trẻ chụp ảnh cưới, chú rể mặc comple, thắt cà vạt, ôm hoa cười tươi. Đó gần như là một “dấu mốc” mà họa sỹ Lê Thiết Cương nhận xét là: Lần đầu tiên có người cười trong tranh truyền thần.

“Những bức chân dung này có bán được hay không? Chưa bàn vội nhưng rõ ràng chơi chiêu này để quảng cáo tay nghề thì rất thuyết phục. Truyền thần đã ngang hàng với hội họa, bình đẳng với hội hoạ khi nó cũng là những bức tranh để treo trang trí trong nhà. Truyền thần đứng giữa hội hoạ và đồ họa vì nó vừa đa bản vừa đơn bản. Truyền thần là nghệ thuật. Chiến tranh có thể chết nhưng truyền thần sẽ không bao giờ chết,” họa sỹ Lê Thiết Cương kết luận.

Quả đúng như khẳng định của họa sỹ Lê Thiết Cương, gần đây, truyền thần đã trở lại với đời sống ở một phương diện khác – như một thú chơi đặc sắc cho khách nước ngoài khi ghé thăm Hà Nội.

Họa sỹ Trần Thịnh kể, ban đầu có những người nước ngoài đi ngang tiệm ghé vào xem rồi thấy thích thú với thể loại này nên họ đã ngồi lại để ông vẽ kỷ niệm. Có người, khi đem về nước phát hiện ra chưa có chữ ký của họa sỹ, có dịp trở lại Việt Nam bèn lặn lội tìm cho được ông để nhờ ký bằng được. “Họ vô cùng coi trọng các giá trị nghệ thuật, đặc biệt khi nó được người nghệ sỹ làm thủ công hoàn toàn,” ông nói.

Người nọ mách người kia, dần dà ngày càng có nhiều khách nước ngoài tìm đến các tiệm truyền thần thuê vẽ. Theo ông Trần Thịnh, cũng bởi nhiều nước họ không có vẽ truyền thần nên khách có thể làm quà cho người thân khi về nước.

Với họa sỹ Bảo Nguyên, do sự độc đáo trong cách sử dụng chất liệu vẽ dùng muội than (muội đèn) – một chất liệu khó phai màu, rất bền nên những người tìm đến ông Nguyên để ghi lại chân dung cũng ngày một nhiều lên. Về sau, trong những lần du ngoạn, cụ Bảo Nguyên đã dùng máy ảnh ghi lại hình ảnh của những người, những cảnh tình cờ gặp và sau đó, dùng nét bút, muội than tái hiện lại họ trong tranh. Và những bức vẽ về hình ảnh bà mẹ địu con ở vùng cao, những em bé trong trang phục dân tộc với đôi má bầu bĩnh… đã được khách nước ngoài rất thích và sẵn sàng trả giá cao để sở hữu như một món quà lưu niệm độc đáo.

Với nhánh rẽ này, có lẽ câu trả lời cho câu hỏi về sự tồn tại, truyền nghề của truyền thần đã bắt đầu có lời giải đáp. Như sự tin tưởng của cụ Bảo Nguyên: “Tôi không sợ cái nghề này mai một, cho dẫu cái gì sinh ra rồi tự nó sẽ mất đi, và rồi lại phục hồi và được tôn vinh – đó như là một quy luật, một sự tuần hoàn. Giữa những sản phẩm của công nghệ với sự hào nhoáng rồi sẽ có lúc làm người ta cảm thấy nhàm chán và đó là lý do để những thứ truyền thống, giản dị như là nghề vẽ truyền thần tồn tại…”/.