Truyền thông nước ngoài nêu bật những thành tựu kinh tế của Việt Nam

Reuters, Regnum nêu bật thành tích kinh tế của Việt Nam, trong khi Bloomberg nhận định Việt Nam đang thực sự đột phá vượt ngưỡng kỳ vọng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Công nghiệp chế biến, sản xuất xe có động cơ đã đóng góp lớn cho chỉ số phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Công nghiệp chế biến, sản xuất xe có động cơ đã đóng góp lớn cho chỉ số phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Báo chí quốc tế tuần qua nêu bật những thành tựu kinh tế của Việt Nam và dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Hãng tin Bloomberg lưu ý Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã công bố mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 là 6,8% và GDP quý 3 vừa qua của Việt Nam ước tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, Bloomberg nhận định Việt Nam đang thực sự đột phá vượt ngưỡng kỳ vọng.

Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin, trong 10 tháng năm 2019, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ở Việt Nam ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Reuters, dòng vốn FDI là một yếu tố quan trọng bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các công ty FDI chiếm khoảng 70% xuất khẩu của quốc gia này.

Hãng tin Regnum cũng nêu bật thành tích kinh tế của Việt Nam - như tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, vượt trước các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Indonesia.

Hãng hàng không Vietnam Airlines lọt vào top 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới năm 2019.

Tờ Virtualnaya Tamozhnya của Nga đăng bài viết của giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn tại Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhân dịp 3 năm sau khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn lưu ý tiến bộ lớn đạt được trong quan hệ kinh tế giữa các đối tác và đề xuất các biện pháp để cải thiện mối quan hệ này.

Theo giáo sư, điều quan trọng là thu hút đầu tư của Nga vào các lĩnh vực như khai thác và chế biến khoáng sản, vào ngành năng lượng, ngành chế tạo máy và sản xuất hóa chất, vào trung tâm nghiên cứu hạt nhân, dự án chính phủ điện tử, an ninh thông tin, dự án thành phố thông minh và nhiều lĩnh vực khác.

[Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tăng trưởng kinh tế sẽ đạt trên 7%]

Qua đó, Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp nhẹ, đầu tư vào việc khai thác các mỏ dầu khí trên địa bàn các nước EAEU.

Theo Báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.

Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Cùng với đó, năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng...

Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá cao Việt Nam là nước đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và là một trong những quốc gia mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức như: già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, gây sức ép tới hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội; biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo với kịch bản mưa ít hơn, nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng sẽ làm tiêu tốn 10% GDP và tác động tới 10,8% dân số...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với định hướng là nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam sẽ không tập trung phát triển kinh tế trước để có nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội mà trong từng chủ trương, chính sách, Đảng, Nhà nước luôn gắn việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế với vấn đề an sinh xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục