Truyền thông Triều Tiên tiếp tục kêu gọi thực thi Tuyên bố Panmunjom

Truyền thông Triều Tiên đã nhắc lại lời kêu gọi Hàn Quốc thực thi các thỏa thuận đạt được giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Truyền thông Triều Tiên tiếp tục kêu gọi thực thi Tuyên bố Panmunjom ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom thuộc Khu phi quân sự liên Triều. (Nguồn: THX/TTXVN)

Truyền thông Triều Tiên ngày 29/8 đã nhắc lại lời kêu gọi Hàn Quốc thực thi các thỏa thuận đạt được giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bối cảnh gia tăng quan ngại đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc.

Tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã đăng một bài báo chỉ trích mạnh mẽ việc Washington áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, cho rằng động thái này đi ngược lại các nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều cũng như tái thống nhất.

Báo trên nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục thúc đẩy thực thi Tuyên bố Panmunjom được lãnh đạo 2 nước đưa ra trong cuộc gặp lịch sử ngày 27/4 nhằm tăng cường hỗ trợ động thái gần đây hướng tới hòa giải, đoàn kết và tái thống nhất.

[Hàn Quốc nhấn mạnh phải tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3]

Bên cạnh đó, Triều Tiên và Hàn Quốc cần tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến tái thống nhất với ý chí và sức mạnh của dân tộc, không lệ thuộc vào các thế lực bên ngoài.

Cũng theo tờ Rodong Sinmun, bất kỳ hành động nào cản trở việc thực thi Tuyên bố Panmunjom sẽ vấp phải sự trừng phạt và lên án của người dân.

Trong Tuyên bố Panmunjom, hai miền Triều Tiên đã nhất trí hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, ngừng các hành động thù địch đối với nhau và thúc đẩy giao lưu liên Triều.

Tuy nhiên, Triều Tiên đã tỏ ý thất vọng khi tiến triển trong hợp tác kinh tế giữa hai miền chậm hơn so với dự kiến, trong khi Hàn Quốc dường như chưa sẵn sàng thúc đẩy hợp tác đầy đủ, chủ yếu do các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ quan điểm về việc sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục