TTCK: Kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam

Quyết tâm mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến (kể từ ngày 15/3) là một yếu tố tạo ra kỳ vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư chứng khoán.
SSI tính toán hệ số P/E 2022 của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
SSI tính toán hệ số P/E 2022 của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Căng thẳng địa chính trị khiến dòng vốn các quỹ đầu tư cổ phiếu vào Việt Nam chững lại, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) rút ròng nhẹ trong tháng Hai. Tuy nhiên, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán SSI vẫn duy trì quan điểm kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ, tài khóa trong nước và quốc tế bên cạnh sự ổn định về tỷ giá.

Bên cạnh đó, một thông tin tích cực đến với thị trường chứng khoán Việt Nam là Quỹ SCBRMVIET, thuộc Tập đoàn SCBAM của Thái Lan đã bắt đầu gọi vốn lần đầu từ ngày 1/3 đến ngày 7/3.

Dòng tiền hồi phục về cuối tháng Hai

Theo ghi nhận từ SSI, dòng tiền từ các quỹ chủ động ghi nhận mức rút vốn mạnh trong thời điểm giữa tháng Hai, sau đó đã hồi phục phần nào về cuối tháng.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư cho biết các quỹ chủ động bán ròng gần 970 tỷ đồng trong tháng. Song, mức rút ròng này đã phần nào được cải thiện trong tuần giao dịch cuối tháng, khi tâm lý thị trường đã ổn định hơn về xung đột giữa Nga và Ukraine. Cụ thể, giao dịch khối ngoại bán ròng nhẹ trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị là 243 tỷ đồng.

“Trên thị trường, khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân dòng tiền tại các nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa và cảng biển,” bà Phương cho hay.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị khiến dòng vốn các quỹ đầu tư cổ phiếu vào Việt Nam chững lại. Các quỹ ETF rút ròng nhẹ trong tháng Hai; trong đó quỹ VFM VN30 ETF rút vốn mạnh nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây với giá trị 744 tỷ đồng2, quỹ FTSE Vietnam ETF cũng rút nhẹ 27 tỷ đồng. Song, hầu hết các quỹ còn lại đã ghi nhận dòng vốn dương trong tháng, bao gồm VFM VNDiamond mua ròng 400 tỷ đồng, SSIAM VNFIN Lead tích lũy ròng 80 tỷ đồng và quỹ Global X MSCI Vietnam ETF là 75 tỷ đồng.

“Nhìn chung, các quỹ ETF rút ròng nhẹ 190 tỷ đồng trong tháng Hai, chủ yếu do áp lực rút vốn trong nửa cuối tháng với mức rút ròng lên đến 350 tỷ đồng,” bà Phương chia sẻ.

Trên thị trường quốc tế, dòng tiền vào các tài sản tài chính giảm mạnh khi nhà đầu tư giảm tỷ trọng các tài sản rủi ro trong danh mục. Trong tháng Hai, các thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện, bao gồm kỳ vọng về tốc độ tăng lãi suất của Cục dự trư liên bang Mỹ (Fed) và xung đột Nga-Ukraine khiến tâm lý của nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Theo khảo sát từ Ngân hàng American Merill Lynch, phần lớn các nhà quản lý quỹ đều cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới đã qua giai đoạn đỉnh và bắt đầu chuyển sang “chu kỳ muộn,” bên cạnh đó khoảng 30% nhà quản lý cho rằng thị trường cổ phiếu sẽ vào trạng thái giảm trong năm 2022. Xu hướng sắp tới là dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu giá trị và hưởng lợi từ việc tăng lãi suất và môi trường lạm phát cao như ngân hàng, năng lượng thay vì vào nhóm cổ phiếu công nghệ.

American Merill Lynch dự báo trong tháng Ba, dòng tiền vào thị trường trái phiếu có thể được cải thiện do nhu cầu phân bổ tỷ trọng vào các tài sản ít rủi ro tăng trong bối cảnh khó lường của thị trường toàn cầu. Mặt khác, những biến động của giá hàng hóa, bao gồm giá năng lượng do ảnh hưởng của các biện pháp cấm vận và phản ứng của các ngân hàng trung ương là yếu tố quan trọng cần được theo dõi và sẽ ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền vào thị trường cổ phiếu.

TTCK: Kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam ảnh 1(Nguồn: SSI)

Theo dõi và thận trọng

Theo ghi nhận của SSI, căng thẳng giữa Nga-Ukraina bất ngờ gia tăng và thị trường chứng khoán Việt Nam đã không tránh khỏi những biến động trong khoảng thời gian này.

Nhóm phân tích của SSI cho rằng tình hình xung đột Nga-Ukraine mặc dù không tác động trực tiếp đến tỷ trọng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam do hai nước này chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng rủi ro ngắn hạn đối với Việt Nam là nếu xung đột kéo dài, áp lực lạm phát có thể tăng mạnh và sớm hơn so với dự kiến.

Liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của FED, SSI cho rằng áp lực đối với VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian trước, khi USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhóm phân tích của SSI kỳ vọng cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục và sẽ giúp VND duy trì được sức mạnh.

Về thị trường chứng khoán trong nước, diễn biến giao dịch trong giai đoạn qua cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt. Hơn nữa, các chỉ số trên thị trường Việt Nam và chỉ số S&P 500 trên thị trường Mỹ cho thấy mức độ tương quan khá thấp.

Bà Hằng cho rằng những tác động ảnh hưởng từ việc FED nâng lãi suất trong tháng Ba có thể đã được phản ánh phần lớn trên thị trường. Bên cạnh đó, quyết tâm mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến (kể từ ngày 15/3) là một yếu tố tạo ra kỳ vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Với diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, thị trường kỳ vọng vào các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của lạm phát tới quá trình phục hồi kinh tế.

Về định giá, SSI tính toán hệ số P/E 2022 của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực.

Trong ngắn hạn, SSI đánh giá biến số về mâu thuẫn Nga-Ukraine mặc dù không tác động lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu theo dõi và thận trọng. Song, các yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường trong tháng Ba, bao gồm thông tin về kết quả kinh doanh sơ bộ quý 1 và kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa đại hội cổ đông đang đến gần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục