TT-Huế: Sẵn sàng ứng phó bão số 9, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19

Tất cả địa phương trên toàn tỉnh đã lên phương án sơ tán dân vùng ven biển, đầm phá; vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, các khu vực trọng điểm..., đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
TT-Huế: Sẵn sàng ứng phó bão số 9, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang chiều 18/12/2021. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 9, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời dân cư; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng xử lý mọi tình huống, nhất là đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.

Ứng phó với cơn bão số 9 đang diễn biến phức tạp, xã ven biển Phú Thuận, huyện Phú Vang đã xây dựng phương án di dời 79 hộ với 446 khẩu tại các vùng xung yếu đến những nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân.

Đáng chú ý, tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, sạt lở bờ biển với chiều dài 3km ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 30 hộ dân, trong đó có 1km bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết thôn Tân An là vị trí xung yếu nhất của xã Phú Thuận, tình hình xâm thực biển kéo dài đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.

Dự báo ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa lớn, triều cường dâng cao, sóng lớn khả năng tạo thành một cửa biển mới như năm 1999.

Chính quyền địa phương mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng kè sạt lở tại xã Phú Thuận, đặc biệt là thôn Tân An để cho bà con đảm bảo cuộc sống.

Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, xã đã huy động lực lượng hỗ trợ gia cố, chằng chống nhà cửa cho người dân, đồng thời thông báo cho người dân, sẳn sàng phương án di dời dân cư đến nơi an toàn.

Thời điểm này, tất cả địa phương trên toàn tỉnh đã tiến hành rà soát, có phương án sơ tán dân vùng ven biển, đầm phá; vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm; các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

[Bão số 9 giật cấp 17 cách bờ biển Bình Định-Khánh Hòa khoảng 550km]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) Nguyễn Tam cho biết, địa phương đã xây dựng phương án phòng, chống bão số 9 theo phương châm "4 tại chỗ;" xây dựng phương án di dời xen ghép 42 hộ, với 111 khẩu đến những nhà cao tầng, nhà kiên cố và trường học; đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình sơ tán dân.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lên phương án di dời dân với hai kịch bản bão cấp độ 3 và bão cấp 4. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, phương án sơ tán, di dời ứng phó với bão cấp 4 (mạnh, siêu bão) sẽ tiến hành di dân xen ghép với 19.623 hộ/55.788 khẩu; di dời tập trung với 8.374 hộ, 30.725 khẩu.

TT-Huế: Sẵn sàng ứng phó bão số 9, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 ảnh 2Bộ đội Biên phòng chuẩn bị phương tiện cứu nạn cứu hộ. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Hiện nay, các địa phương, đơn vị đã hoàn thành việc tổ chức kêu gọi tất cả phương tiện, tàu thuyền trên địa bàn tỉnh vào nơi tránh trú an toàn; cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động.

Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên-Huế cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động vào bờ.

Đến nay tất cả 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động thủy sản đã vào bờ tránh trú an toàn.

Các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các phương tiện neo đậu, sắp xếp nơi tránh trú an toàn, đồng thời kiểm lại hệ thống phương tiện, lực lượng sẵn sàng tham gia di dời dân cư và cứu hộ cứu nạn trong bão lũ.

Hiện nay, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã đạt đỉnh, tỉnh cũng đã phát lệnh vận hành điều tiết hồ chứa đối với các hồ thủy điện Hương Điền, Tả Trạch nhằm chủ động phương án ứng phó với bão số 9.

Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư các công trình đang thi công công trình xây dựng, đặc biệt là công trình ven biển nhận yêu cầu phải tạm dừng thi công kể từ ngày 19/12/2021, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; phải thực hiện rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất; đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, các tuyến đường vào các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Sở Công Thương đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai.

Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh, đây là cơn bão muộn có hướng di chuyển phức tạp, vì vậy các địa phương không được chủ quan.

Ông Lê Trường Lưu đề nghị các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó, đặc biệt là các địa phương tại vùng ven biển như Hải Dương, Thuận An; quan tâm đến công tác dự báo để có phương án ứng phó với mọi tình huống; có phương án di dân tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 19/12, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; có phương án gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; cảnh báo tại các điểm sạt lở, trượt lở núi đảm bảo an toàn nhất cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục