Từ chở hàng 'chợ đen' trở thành người giàu thứ tư Trung Quốc

Từ việc chuyển hàng bất hợp pháp qua biên giới sang Trung Quốc, ông chủ hãng SF Express đã tận dụng làn sóng mua sắm qua mạng để trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.
Từ chở hàng 'chợ đen' trở thành người giàu thứ tư Trung Quốc ảnh 1Tỷ phú Trung Quốc Vương Vệ. (Nguồn: aaj.tv)

Từ việc chuyển hàng bất hợp pháp qua biên giới sang Trung Quốc trên một chiếc xe minivan đến việc mua một đội máy bay Boeing, ông chủ hãng SF Express đã tận dụng làn sóng mua sắm qua mạng để trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.

Dù là người kín đáo và rụt rè trước giới truyền thông, nhà sáng lập Vương Vệ đã bất đắc dĩ trở thành tâm điểm chú ý sau khi việc công ty vận chuyển SF Express của ông lên sàn chứng khoán Thâm Quyến đã biến ông thành một tỷ phú giàu gấp 20 lần so với trước.

Theo Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg, ông hiện là người đàn ông giàu thứ 4 ở Trung Quốc, với tài sản 23,3 tỷ USD tính đến ngày 29/3.

Là một người luôn phá vỡ các quy tắc và từng cho biết trong cuộc phỏng vấn công khai duy nhất của ông rằng ông “khởi nghiệp” bằng việc vận chuyển trái phép, người đàn ông 46 tuổi này đã xây dựng công ty của mình trở thành một trong những dịch vụ vận chuyển hàng đầu trong thị trường thương mại điện tử đầy cạnh tranh và phát triển như vũ bão của Trung Quốc.

Trong khi ông vẫn “cứng đầu” tránh mặt truyền thông, SF Express của ông lại có mặt khắp nơi, với đội ngũ gồm 80.000 nhân viên, sử dụng khoảng 35 máy bay và hàng nghìn phương tiện khác để chuyển hàng trên khắp các thành phố lớn của Trung Quốc.

Vương Vệ là con trai một phiên dịch viên trong quân đội Trung Quốc. Ông lớn lên ở Hồng Kông, và vào năm 1993, ông đã thành lập SF Express như một cách để chuyển hàng lậu qua biên giới giữa vùng đất khi đó còn là thuộc địa của Anh và đại lục.​

 

Đó là một công việc nguy hiểm nhưng sinh lợi lớn, được tiến hành bởi vài nhân viên trong một chiếc xe minivan.

 

“Khi SF bắt đầu vận chuyển hàng vào những năm 1990, nó vẫn còn là một công ty hoạt động trái phép trong ngành ‘vận chuyển chợ đen’,” Vương Vệ cho biết trong một bài phỏng vấn năm 2011 với tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi đó, dịch vụ bưu chính của Trung Quốc vẫn chiếm độc quyền trong ngành vận chuyển.

“Chúng tôi sẽ bị phạt nếu bị các cán bộ bưu chính bắt được, nên chúng tôi phải lén lút xử lý các kiện hàng.”

 

Sự mạo hiểm được đền đáp

Công việc kinh doanh của ông phát triển nhờ cái gọi là “trao đổi song song,” trong đó người ta mua các mặt hàng như sữa công thức và thuốc men ở Hong Kong rồi buôn lậu sang Trung Quốc để bán với giá chênh lệch lớn.

Vào năm 2005, ông được cho là đã lấy công ty làm vật thế chấp để vay nửa triệu USD, theo thông tin trên tạp chí Next của Hong Kong.

Đó là một sự mạo hiểm được đền đáp xứng đáng.​

Từ chở hàng 'chợ đen' trở thành người giàu thứ tư Trung Quốc ảnh 2Xuất phát điểm của Vương Vệ là chuyển hàng bất hợp pháp qua biên giới sang Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Giờ đây, SF Express là công ty vận chuyển bưu kiện lớn nhất Trung Quốc về doanh thu ​- với doanh số 7,4 tỷ USD vào năm 2015, theo Bloomberg ​- và đang lướt trên làn sóng của ngành công nghiệp thương mại điện tử trong nước mà Alibaba đang dẫn đầu.​

 

Vương Vệ đã hiện thực hóa ước mơ tham gia thị trường chứng khoán sau khi vượt qua cái được gọi là “lên sàn cửa sau” trong năm nay, cho phép công ty ông “nhảy cóc” danh sách chờ gồm 700 công ty đang mong mỏi được đưa tên mình lên sàn chứng khoán.​

 

Ông đã được chính phủ cho phép thực hiện một giao dịch phức tạp cho phép ông sáp nhập với một công ty đất hiếm nhỏ vốn đã có tên trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, rồi chiếm vị trí của công ty này.

 

Giao dịch đã được hoàn tất vào ngày 24/2, khi SF Holding thay thế cho vị trí của Maanshan Dingtai. Giá cổ phiếu SF đã tăng vọt 70% trong 8 phiên, qua đó tài sản của Vương Vệ cũng tăng theo.

Hướng tới vận tải hàng không​

 

Nhà phân tích Xu Yong cho biết với AFP rằng sự tăng vọt này không hề bất ngờ, vì “doanh thu phản ánh sự tin cậy nói chung” vào các triển vọng kinh doanh của SF Express, khi công ty đạt mức lợi nhuận tăng tới 112% trong năm ngoái.​

 

Đối với SF Express, việc có mặt trên sàn chứng khoán là điều cốt yếu để tài trợ cho các khoản đầu tư hạ tầng, và những khoản đầu tư này có thể còn khiến Vương Vệ giàu có hơn nữa, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ và trong ngành vận chuyển hàng không, Xu Yong cho biết thêm.​

 

SF Express cũng đang xây dựng một cảng vận chuyển ở tỉnh Hồ Bắc.​

 

Ngành chuyển phát nhanh ở Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới, với doanh số đạt 4 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm ngoái, đại diện cho hơn 40% công việc kinh doanh toàn cầu trong ngành này, theo dữ liệu từ dịch vụ bưu chính Trung Quốc.  ​

 

Sự kín đáo của Vương Vệ đã khiến giới truyền thông cũng như các nhà đầu tư cố gắng đào sâu tìm hiểu về ông và các hoạt động của công ty ông.​

 

Tạp chí Next của Hong Kong đã cử một phóng viên bí mật làm việc chuyển hàng cho SF Express trong 3 tháng vào năm 2010, còn các nhà đầu tư được cho là đã treo giải 500.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai sắp xếp được một cuộc hẹn ăn tối với Vương Vệ.​

 

Nhưng khi công ty của ông ngày một phát triển, Vương Vệ ngày càng khó tránh mặt giới truyền thông và sự chú ý của công chúng.​

 

Năm 2010, tên ông đã có trên mặt báo khi ông chi 350 triệu dollar H​ong Kong (tương đương 45 triệu USD) - một con số kỷ lục lúc bấy giờ - để mua đất ở H​ong Kong để xây một ngôi nhà 4 tầng sang trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục