Tự chủ tuyển sinh từ góc nhìn hiệu trưởng

Tự chủ tuyển sinh từ góc nhìn các hiệu trưởng đại học

Tự chủ tuyển sinh là một quá trình phát triển tất yếu để từng trường đại học và cả hệ thống đào tạo đại học của Việt Nam mạnh lên.

Từ năm 2014, các trường đại học, cao đẳng sẽ được thực hiện giao quyền tự chủ tuyển sinh riêng.

Yêu cầu đặt ra là khi tổ chức tuyển sinh riêng không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường trục lợi trong tổ chức luyện thi; tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Đã thực nghiệm thành công trên thực tế

Đa số các trường đại học, cao đẳng đều thể hiện sự nhất trí đối với chủ trương tự chủ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiệu trưởng trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh Mai Hồng Quỳ cho biết phương án tuyển sinh riêng là hợp lý, đặc biệt là đối với những trường đào tạo đặc thù như Đại học Luật.

Hiệu trưởng Đại học Nguyễn Tất Thành Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định Đề án tuyển sinh mới của Bộ là một trong những bước triển khai tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Đây cũng định hướng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường làm lâu nay nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Hùng nhấn mạnh việc triển khai Nghị quyết mới này có rất nhiều khâu phải làm, trong đó khâu đột phá là giao tự chủ cho các trường đại học vì đây là thuộc tính căn bản nhất của các trường đại học phát triển.

Đây cũng là điều đã được ghi trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.

Thật ra tự chủ tuyển sinh là việc không mới bởi từ năm 2013, Bộ đã cho phép các trường khối năng khiếu nghệ thuật được chọn phương thức tuyển sinh riêng mà không cần tham gia kỳ thi "3 chung."

Năm 2013, có 10 trường khối nghệ thuật tuyển sinh riêng và đã có kết quả tích cực. Đại diện các trường khối văn hóa nghệ thuật này cho biết việc giao tự chủ này đã giúp họ có được nguồn tuyển sinh dồi dào hơn và có chất lượng hơn, các thí sinh dự thi đều tâm huyết và xác định phát triển năng khiếu là hướng đi của cuộc đời mình. Số thí sinh chỉ thi cho vui đã ít hơn hẳn. Việc thi cử cũng nhẹ nhàng hơn.

Việc tự chủ tuyển sinh riêng được coi là nhu cầu thực tế, phù hợp với yêu cầu của từng trường, đảm bảo chất lượng đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng đầu ra.

Cần một lộ trình phù hợp

Hơn 10 năm thực hiện "3 chung" đã mang lại nhiều thành quả tích cực, đó là những kỳ thi được lãnh đạo các trường đánh giá là nghiêm túc nhất từ trước tới nay. Công tác tuyển sinh được bảo mật từ khâu ra đề, tổ chức thi cho tới chấm thi, phúc khảo.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm và quá trình phát triển của các trường không đồng đều và sự đa dạng của giáo dục đại học, trong giai đoạn quá độ (từ 2014 đến hết 2016), Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ các trường chưa đủ năng lực tự chủ tuyển sinh hoặc chưa chuẩn bị kịp phương án tự chủ tuyển sinh bằng hình thức "3 chung."

Quãng thời gian ba năm này là để các trường chuẩn bị năng lực .

Một số trường hiện nay cũng đã lên phương án tự chủ tuyển sinh như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, một số trường ngoài công lập.

Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi Nguyễn Quang Kim cho biết đề án tuyển sinh đã được Bộ nghiên cứu kỹ và nhà trường hoàn toàn nhất trí.

Tự chủ tuyển sinh không phải là việc mới làm, những năm trước đây đã làm rồi nhưng cũng cần nhiều đổi mới phù hợp. Nhà trường cũng đã nghiên cứu và sẽ xây dựng phương án tuyển sinh thích hợp

Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đông Phong cũng cho biết, nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng cho tự chủ tuyển sinh. Trong quá trình tuyển sinh sẽ sử dụng những công cụ đánh giá tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là tiếng Anh và Toán để có thể sử dụng giáo trình tiếng Anh trong quá trình học tập.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc cho phép các trường tuyển sinh riêng là động thái tích cực của Bộ.

Tuy nhiên những quy định về phạm vi xét tuyển khiến các trường có cảm giác giảm khả năng thành công của một kỳ thi riêng nên ngại mạo hiểm, nhất là trong thời điểm khó khăn tuyển sinh kéo dài như nhiều năm nay.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, lo sợ về năng lực tổ chức một kỳ thi đảm bảo chất lượng cũng khiến các trường dè dặt trong quyết định này.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hội Nghĩa cũng cho rằng kỳ thi riêng phải khác xưa và mang tầm cao hơn để phù hợp với thực tế. Thay vì chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần như lâu nay, việc tuyển sinh và đào tạo cần phải đánh giá đúng năng lực và thái độ người học. Các trường cần phải có quan điểm rộng như vậy ngay từ khâu tuyển sinh.

Từ nay đến năm 2016, các trường cần chuẩn bị một phương thức tuyển sinh mới để đánh giá người học không chỉ kiến thức mà còn đánh giá được năng lực và thái độ của người dự tuyển.

Tự chủ tuyển sinh là một quá trình phát triển tất yếu để từng trường đại học và cả hệ thống đào tạo đại học mạnh lên. Nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận, tự làm (tự tuyển sinh) là một việc khó, song vì lợi ích của các cháu, vì sự phát triển chung và nói rộng ra là vì lợi ích dân tộc, mỗi nhà trường hãy vượt lên "cái phanh" và thói quen cố hữu để mạnh dạn tích cực chuẩn bị và thực hiện với hiệu quả tốt nhất.”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục