Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giúp doanh nghiệp giảm chi phí

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ của các thị trường EU và EFTA sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường hàng hóa của Việt Nam.

Việc áp dụng cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ của các thị trường EU và EFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong quy trình xuất khẩu, từ đó tận dụng triệt để các ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đây là nội dung được ông Trần Trung Thực, Vụ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA đưa ra tại Hội thảo "Tự chứng nhận xuất xứ" do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 17/6, tại Hà Nội.

Ông Thực cho biết, theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu). Tức là doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu) sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó.

Do vậy, việc hiểu và nắm rõ nội dung và cách thức về Tự chứng nhận xuất xứ sẽ là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khối EFTA nói riêng và thị trường châu Âu (EU) nói chung.

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã trải qua 8 phiên đàm phán về Hiệp định thương mại tự do với khối EFTA gồm bốn thành viên chính thức là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Lich-ten-xtanh. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đạt được sớm các quy định về Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa với khối này sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn để giữ chân khách hàng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ (VCCI) cho hay, hiện nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng chuyển từ hình thức cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho hàng hoá của doanh nghiệp sang hình thức người nhập khẩu và nhà sản xuất tự chứng nhận C/O.

"Khi nhà xuất khẩu đã được cấp giấy Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì hoạt động thương mại sẽ thuận tiện hơn, giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh," bà Hương nói.

Tuy nhiên, phân tích những thách thức mà Việt Nam đang gặp vướng mắc khi xuất khẩu sang EFTA, ông Svein Gronlie, Tổng cục Hải quan Na Uy cho rằng, hiện nay quy trình cấp phép cho hàng hóa nhập khẩu vào khối EFTA rất khắt khe. Đối với Na Uy giấy phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp cho các nhà xuất khẩu lần đầu vào thị trường này chỉ có thời hạn 2 năm. Kết thúc thời hạn trên, nếu doanh nghiệp tuân thủ tốt, giấy phép sẽ được cấp với thời hạn 5 năm.

"Ít nhất 1 lần trong giai đoạn 2 năm đầu thử thách và 2 lần trong thời gian 5 năm, cơ quan hải quan địa phương Na Uy sẽ kiểm soát các nhà xuất khẩu được cấp phép, nếu phát hiện sai phạm sẽ bị tước giấy phép," ông Svein Gronlie cho biết.

Hiện ASEAN đã triển khai hai dự án thí điểm tại một số nước trong khu vực. Trong đó dự án 1 gồm các nước: Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và dự án 2 gồm: Indonesia, Lào, Philipines. Dự kiến đến năm 2015 sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của cả ASEAN.

Trước thực tế trên, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam cũng đang xem xét và sẽ tham gia cơ chế này trong thời gian sớm nhất, cũng như đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách để doanh nghiệp hội nhập sâu hơn với các nước đang tham gia đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục