Từ chuyện Mueller và San Marino: Bóng đá có còn cho mọi người?

Tiền đạo của Bayern Munich Thomas Muller đã khiến làng túc cầu "dậy sóng" lên tiếng rằng nên hủy bỏ những trận đấu kiểu như Đức-San Marino vì cho rằng chúng “không có ý nghĩa gì.”
Từ chuyện Mueller và San Marino: Bóng đá có còn cho mọi người? ảnh 1Mueller không hài lòng với những trận đấu kiểu Đức-San Marino. (Nguồn: AP)

Thomas Mueller và một quan chức San Marino vừa có những lời qua tiếng lại. Tiền đạo của Bayern Munich lên tiếng rằng nên hủy bỏ những trận đấu kiểu như Đức-San Marino vì cho rằng chúng “không có ý nghĩa gì.” Quan chức nọ của San Marino thì gửi hẳn một bức thư cho Mueller, nội dung bức thư này thậm chí gây sốt trên mạng xã hội. Có vẻ như bóng đá đang dần xa rời ý nghĩa nguyên thủy của nó sau những chuyện thẳng mà... thật như thế này.

Câu chuyện của San Marino

Lý lẽ của vị quan chức ở đất nước nổi tiếng với Giải đua xe công thức 1 rất gọn gàng cũng như hợp lý. Gặp Đức giúp San Marino có được một số tiền bản quyền truyền hình giúp quốc gia nhỏ bé này trang trải nhiều khoản chi phí. San Marino đã xây dựng hẳn được một sân bóng chỉ sau 90 phút gặp Đức.

Gặp Đức cũng giúp 200 cầu thủ chuyên nghiệp tại San Marino có cơ hội được đối đầu với những nhà vô địch thế giới. Đó sẽ là một kỷ niệm đẹp, cũng có thể là một ghi nhận cho những cố gắng của số ít các cầu thủ tới từ quốc gia nằm bên rìa Italy này.

Người dân San Marino cũng sẽ nhớ ra rằng quốc gia mình cũng có một đội tuyển bóng đá và vừa thi đấu với các nhà vô địch thế giới. Đó là những cái lý về mặt lợi ích quốc gia của quan chức này. Những chi tiết khác hòng đả kích thâm sâu cá nhân Mueller có thể bỏ qua.

Là một môn thể thao đơn thuần thậm chí phổ biến nhất trên thế giới. Bóng đá gắn kết cộng đồng, tạo ra ước mơ cho không chỉ những đứa trẻ, mà còn là tất cả thành phần xã hội. San Marino, quốc gia nằm nép bên cạnh Italy có một giải đấu bóng đá nghiệp dư với chỉ 15 đội chia làm hai bảng đấu với nhau từ năm này qua năm khác.

Những nỗ lực chuyên nghiệp từng được San Marino cụ thể hóa bằng việc phân chia giải đấu thành hai Serie A1 và Serie A2. Dong tới năm 1996, do quá chán với việc đá mãi mà chẳng giỏi, Liên đoàn bóng đá San Marino đã quyết định hợp nhất hai giải đấu thành một hạng và chơi bóng như bây giờ. Không ngạc nhiên khi San Marino có giải đấu vô địch quốc gia đứng thứ 54/54 trong bảng xếp hạng của UEFA.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, San Marino đứng thứ 201/208 ở bảng xếp hạng FIFA. Chưa thắng một trận đấu chính thức nào trong lịch sử.  

Liên đoàn bóng đá nước này thành lập vào năm... 1930, thời điểm World Cup đầu tiên được tổ chức, sớm hơn cả Iceland hay Hàn Quốc (hay cả Việt Nam). Từ đó tới nay đã là 86 năm, vậy mà bóng đá vẫn chỉ dừng ở mức cho vui tại đây.

San Marino đúng là không có duyên với bóng đá. Những trận đấu như với Đức, dù thua 0-8, thực sự mang nhiều ý nghĩa với đội tuyển nước này, nhiều hơn những gì mà chúng ta tưởng tượng. Đó là sự thật.


Từ chuyện Mueller và San Marino: Bóng đá có còn cho mọi người? ảnh 2Mueller trong trận gặp San Marino. (Nguồn: Getty Images)

Cái lý của Mueller

Song bất chấp những khó khăn mà San Marino phải đối mặt, cũng như lợi ích mà đội tuyển quốc gia nước này có được khi đối đầu với nhà vô địch thế giới như Mueller, những cuộc đấu với tỷ số thua 0-8 vẫn nên được bãi bỏ. Hãy nhìn sang một sự thật khác rằng, với các trận thua 0-8 đó, San Marino sẽ học được điều gì để vươn lên? Bóng đá mang lại niềm cảm hứng, song FIFA không phải một tổ chức từ thiện.

Chưa kể những ngôi sao như Thomas Mueller hoàn toàn có thể dính phải những chấn thương trong điều kiện sân bãi tệ hại tại những quốc gia này. Nếu đặt trên một lăng kính công bằng, San Marino hay Andorra hoặc bất kỳ đội tuyển quốc gia nhỏ bé nào phải có được một sân vận động với mặt cỏ đáp ứng đủ tiêu chuẩn của FIFA như Allianz Arena hay Signal Iduna Park khi đội tuyển quốc gia nước này tới làm khách trên đất Đức. Sự thật mà Mueller nói có thể khó nghe, nhưng đó là điều đúng với những Liên đoàn bóng đá nhỏ bé như San Marino.

Sẽ là sai lầm khi nói không thiếu những quốc gia có một nền tảng kém như San Marino đã vươn lên, và đất nước với đa số là người có cả quốc tịch Italia này sẽ cần phải học tập. Với dân số chỉ vỏn vẹn 33 nghìn, chỉ bằng 1/10 số lượng dân của Iceland, bằng 1/100 dân số của Albania, nói San Marino không cải thiện hạ tầng hoặc công tác đào tạo bóng đá trẻ để vươn lên là không hiểu gì về bóng đá. Quốc gia này không đủ người để làm điều đó, dù quá trình có được kéo dài ra tới mức nào.

Thay vì tham gia vào các giải đấu ở cấp độ đội tuyển quốc gia như vòng loại World Cup hay EURO, và đều đặn nhận hàng chục bàn thua mang về cùng những cái bắt tay gượng gạo, San Marino, Moldova, Gibraltar, Luxembourg hay Andorra cần một hệ thống khác nhằm thúc đẩy bóng đá ở những quốc gia này tiến lên (dĩ nhiên ở mức độ nào đó mà thôi). Nên chăng một bảng đấu riêng dành cho những cái tên này trước khi Vòng loại World Cup hay EURO được bắt đầu?

Đội đầu bảng sẽ được quyền bước vào vòng loại. Những trận thua với tỷ số không tưởng kiểu 0-8, 0-7 sẽ biến mất. Giá trị của các bàn thắng ở cấp độ đội tuyển quốc gia cũng sẽ được gia tăng.

Sự cạnh tranh ở những quốc gia nhỏ bé này sẽ tạo ra giá trị thúc đẩy bóng đá trên toàn thế giới. Đó mới là điều mà túc cầu giáo cần hướng tới vào thời điểm hiện tại, giữa những liên đoàn bóng đá có thời gian hình thành, phát triển đều quanh mốc một trăm năm. Những bộ não cần phải được hoạt động, một hệ thống mới cần được sinh ra để tối ưu hóa những biến đổi của thời đại.

Bóng đá vẫn sẽ vậy, tròn, lăn trên cát, đất đá, bê tông và vẫn dành cho tất cả mọi người. Nhưng bóng đá chuyên nghiệp thì không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục