Từ cuốn nhật ký in dấu bom bi đến 'Ký ức chiến trận Quảng Trị'

Cuốn sách dày hơn 250 trang, tập hợp những câu chuyện có thật mà tác giả đã ghi chép trong cuốn sổ cá nhân đầy vết thủng lỗ chỗ do những mảnh bom bi Mỹ để lại.
Từ cuốn nhật ký in dấu bom bi đến 'Ký ức chiến trận Quảng Trị' ảnh 1Tác phẩm là những ký ức khi tác giả chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm nửa thế kỷ giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022), tác giả Nguyễn Xuân Vượng ra mắt cuốn sách “Ký ức chiến trận Quảng Trị (1972-2022).”

Cuốn sách dày hơn 250 trang, tập hợp những câu chuyện có thật ghi chép trong cuốn sổ cá nhân đầy vết thủng lỗ chỗ do những mảnh bom bi Mỹ để lại.

Sau 50 năm, ký ức của một chiến sỹ pháo binh từng tham gia Chiến dịch Xuân-Hè năm 1972 tại đất lửa Quảng Trị đã được biên tập thành sách để giới thiệu đến đông đảo bạn đọc. Qua đó, không khí chiến đấu, hình ảnh chiến trường ác liệt, bi hùng hiện lên chân thực và sinh động.

Ngày 28/4/1972, chiến thắng Đông Hà đã mở đường cho quân và dân các vùng trong toàn tỉnh thừa thắng xông lên tiêu diệt địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị ngày 1/5/1972 và cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang một giai đoạn mới.

[Quảng Trị: Một dòng sông, một khát vọng thống nhất đất nước]

Tác giả Nguyễn Xuân Vượng là một trinh sát-kế toán pháo binh, làm nhiệm vụ tính toán phần tử bắn cho pháo 130 ly, bắn tầm xa trong chiến dịch Quảng Trị. Ông tâm sự rằng cuốn sách là “chuyện kể của một người lính bình thường như trăm ngàn người lính bình thường khác khi tham gia chiến trận.”

Một phần rất xúc động trong cuốn sách là khi tác giả Nguyễn Xuân Vượng chứng kiến sự hy sinh của đồng đội: Trung sỹ, Tiểu đội trưởng Hữu tuyến điện Ngô Việt Trung: “Máy bay Mỹ đã phát hiện đội hình hành quân của chúng tôi, chúng bổ nhào nhằm chiếc xe đi đầu xả đạn. Anh Trung bị trúng một viên đạn 20 ly phía sau gáy, hy sinh ngay tại chỗ. Chiếc xe ô tô bốc cháy dữ dội. Chúng tôi dập tắt lửa kéo anh ra khỏi xe. Người anh cháy nham nhở. Chúng tôi bọc xác anh vào tấm tăng nilon rồi chạy suốt đêm, đưa anh về chôn cất… Chúng tôi nắm chặt tay nhau không nói câu gì. Xe chạy suốt đêm trong ánh trăng bàng bạc của ngày cận rằm tháng Bảy năm đó.”

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Tình, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam là người biên tập cuốn sách. Ông đánh giá cao đóng góp của tác giả khi cho ra đời một cuốn “hồi ký mang tính chất sử học,” cung cấp những thông tin chân thực về sự ác liệt của chiến tranh cũng như những tâm sự rất đời thường của người lính.

“Với tôi, đây là một trong những trang viết hay nhất về chiến trận Quảng Trị, một địa danh không thể quên trong cuộc đọ sức địch-ta và là một phần của lịch sử chiến tranh chống Mỹ khốc liệt và hào hùng,” ông Tình nói.

Từ cuốn nhật ký in dấu bom bi đến 'Ký ức chiến trận Quảng Trị' ảnh 2Cuốn nhật ký in dấu bom bi của tác giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Là một trong những người đầu tiên đọc cuốn sách, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Thành Hưng (giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thống nhất ý kiến với người biên tập: “Sức hấp dẫn của ‘Ký ức chiến trận’ không phải vì những tình tiết ly kỳ, vì những tình huống éo le, vượt ra ngoài trí tưởng tượng. Nó hấp dẫn chính bởi sự chân thực.”

Ông Hưng cho rằng tác phẩm là sự kết hợp đồng bộ giữa nhật ký, hồi ký, thơ và tản văn. Đây là những câu chuyện người thật, việc thật, là sự giải tỏa ký ức, giải tỏa nỗi niềm của một cựu chiến binh đã bước vào cái tuổi “nhân sinh thất thập.”

Bản thân cũng là cựu chiến binh, ông tin rằng cuốn sách sẽ đến tay những người từng cầm súng như một đêm tâm sự giữa đồng đội với nhau và đến với độc giả trẻ tuổi như một tác phẩm văn học, giúp họ nắm bắt bản chất sự thật cuộc chiến./.

Tác giả Nguyễn Xuân Vượng quê gốc Nam Định, sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa. Ông là cựu học sinh Trường cấp III Lam Sơn, Thanh Hóa khóa 1968-1971. Ông nhập ngũ năm 1971, sau đó tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, là một trong những chiến sỹ thuộc Đại đội 802, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45, Đoàn Pháo binh Tất Thắng. Hòa bình lập lại, ông chuyển ngành về học khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyễn Xuân Vượng từng có thời gian công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục