Từ Flappy Bird nghĩ về công nghiệp game Việt

Từ Flappy Bird: Nhìn nhận đúng hơn về công nghiệp game

Phóng viên TXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Bảo,về tác động của hiện tượng Flappy Bird đến thị trường game Việt.
Từ Flappy Bird: Nhìn nhận đúng hơn về công nghiệp game ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Flappy Bird - trò chơi của người Việt đang “làm mưa làm gió” trên khắp thế giới, thu hút hàng triệu người chơi game sành sỏi trên khắp thế giới đã được chính “cha đẻ” của nó là lập trình viên trẻ tuổi Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ.

Sự kiện này đã tạo nên một “cơn sốt” không chỉ với người chơi game, người sáng tạo game mà với cả giới truyền thông trong nước và quốc tế.

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) quanh vấn đề này cũng như tác động của hiện tượng Flappy Bird đến thị trường game Việt.


- Dù đã bị gỡ khỏi kho ứng dụng AppStore và Google Play, song Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông vẫn thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Là người đại diện cơ quan quản lý, ông đánh giá về sự kiện này như thế nào?

Cục trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Tôi cho rằng điều lớn nhất là Nguyễn Hà Đông làm được chính là truyền cảm hứng cho giới phát triển phần mềm và ứng dụng nội dung không chỉ của Việt Nam mà trên toàn cầu.

Flappy Bird đã tạo được dấu ấn trên bản đồ game di động thế giới. Tôi cho rằng đây là hướng phát triển game phù hợp với điều kiện của ngành game Việt Nam hiện nay. Với quy mô nhỏ, chỉ cần có ý tưởng, sáng tạo, game Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tạo ra những sản phẩm thành công.

Thành công của Đông cũng cho thấy rào cản để Việt Nam thâm nhập thị trường toàn cầu gần như là không còn nữa. Cơ hội sẽ đến với bất cứ ai. Flappy Bird là minh chứng rất thực tế, chỉ cần một lập trình viên, game đơn giản, lập trình trong thời gian ngắn nhưng lại tạo ra thành công ngoài sức tưởng tượng.

Vấn đề cốt lõi ở đây là tạo được sự khác biệt. Một chuyên gia phát triển game trên thế giới, tác giả của nhiều game nổi tiếng như QWOP đánh giá Flappy Bird đã "loại bỏ tất cả những phức tạp không cần thiết để tập trung vào một cơ chế nhập liệu đơn giản nhất."

Hành động gỡ game của Đông không chỉ gợi ý cho mỗi người suy nghĩ về cách ứng xử cần thiết mà còn chỉ ra những nhược điểm để ta bổ sung, rút kinh nghiệm, kể cả giới truyền thông, để khi gặp những trường hợp tương tự, ta không phải nuối tiếc.

- Nhiều chuyên gia công nghệ Việt Nam cho rằng Flappy Bird là điểm sáng của ngành ứng dụng Việt Nam và đây sẽ là “liều thuốc kích thích” họ phát triển. Tuy nhiên, Nguyễn Hà Đông lại khá “đơn độc” khi chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. Ông có bình luận gì về điều này?


Cục trưởng Hoàng Vĩnh Bảo:
Tôi nghĩ rằng cho đến thời điểm này, Nguyễn Hà Đông đã thành công trên mọi phương diện. Ứng xử của Đông cho thấy cậu rất có trách nhiệm, nhân văn… khiến không ít người, nhất là giới truyền thông phải xem lại cách hành xử của mình.

Qua trả lời của Đông trên một số báo chí nước ngoài và trong nước cũng như ý kiến phản hồi trên mạng thì việc gỡ bỏ trò chơi cũng có thể còn là tâm trạng bị “sốc” và cảm thấy đơn độc.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp gỡ, động viên Nguyễn Hà Đông đã góp phần khẳng định Chính phủ Việt Nam đã quan tâm rất kịp thời. Có người đã nhìn nhận sự động viên, khích lệ của Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam qua sự kiện này với ngành game còn quý hơn vàng.

Nếu Đông hay những người như cậu ấy vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê với đúng tâm nguyện thì chắc chắn sẽ nhận được hỗ trợ cần thiết không chỉ từ cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân khác để vượt qua khó khăn, tiếp tục sáng tạo, đóng góp nhiều hơn cho ngành công nghiệp nội dung số của nước ta.

- Công nghệ thông tin là một ngành kinh tế mũi nhọn trong thời đại kinh tế tri thức. Trong đó, sản xuất nội dung game, các thiết bị chơi game là một ngành đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vậy cơ quan quản lý nhà nước có chính sách như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực game nói chung và đặc biệt là những nhà phát triển game độc lập như Nguyễn Hà Đông?


Cục trưởng Hoàng Vĩnh Bảo:
Ngành công nghiệp game nói riêng và công nghiệp nội dung số nói chung trong một vài năm gần đây bắt đầu có những bước phát triển nhanh, nhất là khi mạng xã hội trở nên phổ biến, tạo hiệu ứng lan truyền nhanh.

Công bằng mà nói, game là loại hình giải trí có nhiều mặt tích cực nếu nội dung lành mạnh, chơi với thời gian phù hợp. Ngành công nghiệp game thu hút khá nhiều lao động công nghệ thông tin, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tuy vậy nhận thức trái chiều về game online khiến ngành này chưa nhận được sự ủng hộ của xã hội và cơ quan quản lý, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp sáng tạo, kinh doanh game phải đề cao trách nhiệm xã hội, không chỉ vì lợi nhuận thuần túy mà bất chấp tác động tiêu cực của game đối với xã hội.

Mặt khác, các doanh nghiệp game cũng phải làm tốt công tác truyền thông theo đúng luật pháp và đảm bảo nội dung game lành mạnh, hấp dẫn. Tôi cho rằng, sự thành công của game Flappy Bird dường như là phương thức truyền thông tốt nhất, giúp xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn với ngành game.

Trường hợp của Đông là đầu tiên, chưa từng có tiền lệ và thành công của Đông góp phần tạo được sự khích lệ rất lớn đối với cộng đồng phát triển game và phần mềm ứng dụng. Với những trường hợp này tương lai sẽ có chế độ đãi ngộ hoặc ưu đãi riêng.

Các công ty công nghệ cao theo luật Việt Nam đều được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Nếu game di động có tác động tích cực với xã hội, tạo ra nguồn thu lớn cho đất nước thì các nhà quản lý sẵn sàng tạo điều kiện để cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo họ được hưởng ưu đãi nhất định về điều kiện làm việc, thuế, hạ tầng và đầu tư tài chính…


- Theo ông, “sức ép” của giới truyền thông đã tác động như thế nào đến quyết định gỡ game của Nguyễn Hà Đông; vấn đề này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường game Việt Nam?

Cục trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Ngay khi Flappy Bird gây chú ý dư luận xã hội, cách mà truyền thông trong nước thể hiện thực sự là điều khiến những người trực tiếp quản lý báo chí, trang mạng như chúng tôi thấy trăn trở.

Trước khi Nguyễn Hà Đông thông báo gỡ game, báo chí nước ngoài chủ yếu ca ngợi, lý giải sự thành công của game. Truyền thông trong nước với tư cách “người nhà” thay vì động viên, cổ vũ, góp ý cho tác giả để hoàn thiện về nội dung, về tính pháp lý (nếu có) để sản phẩm Việt ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn thì họ lại không ngần ngại cho đăng tải những ý kiến có phần ác ý, hoài nghi của các cá nhân bình luận trên nhiều diễn đàn kiểu như “Đông đã gian lận, Đông sao chép ý tưởng…”

Sau khi game được gỡ xuống, dường như giới truyền thông trong nước cũng phải giật mình nhìn lại. Lúc này, các báo lại quay sang mổ xẻ nguyên nhân vì sao Flappy Bird bị khai tử và cho rằng sự đố kỵ đã triệt tiêu ý tưởng sáng tạo. Tôi cho rằng, cách hành xử của một số cơ quan truyền thông trong nước đã thực sự tạo áp lực với Đông, tạo cho cậu ấy cảm giác đơn độc, chông chênh.

Tuy nhiên, với những gì Đông thổ lộ trên một tờ báo nước ngoài về nguyên nhân rút game khỏi các ứng dụng Google và AppStore, quyết định “khai tử” trò chơi này vì không muốn “nó trở thành một sản phẩm gây nghiện” đã khiến nhiều người phải suy nghĩ, khâm phục vì quyết định dũng cảm, đầy tính nhân văn của Đông.

Có thể áp lực truyền thông không phải là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới quyết định của Đông. Việc chỉ ra sự không hoàn hảo của game Flappy Bird là không sai, nhưng cần được thể hiện bằng thái độ khác, mang tính xây dựng chứ không nên vùi dập.

Chúng ta không nên quá lo lắng về việc gỡ bỏ game Flappy Bird sẽ ảnh hưởng xấu tới thị trường game Việt Nam. Có thể đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, các nhà cung cấp nội dung game và cả xã hội nhìn nhận đúng hơn về một xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp nội dung số (trong đó có game).

Để từ đó có chính sách quản lý, chiến lược phát triển, với bước đi và cách thức tiến hành phù hợp hơn, bền vững và hiệu quả hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục