Tự giám sát để cải thiện dịch vụ xuất khẩu lao động

Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài khiến số lượng các công ty cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động tại Việt Nam gia tăng đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua. Thực tế đang đòi hỏi việc phải điều tiết các doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, đồng thời bảo vệ người lao động khỏi những rủi ro bị lừa đảo.

Trước thực tế đó, Hiệp hội các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Việt Nam đang áp dụng thí điểm công cụ tự giám sát, đánh giá nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ lao động di cư một cách hiệu quả hơn.
Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài khiến số lượng các công ty cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động tại Việt Nam gia tăng đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua. Thực tế đang đòi hỏi việc phải điều tiết các doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, đồng thời bảo vệ người lao động khỏi những rủi ro bị lừa đảo.

[Sẽ chấm điểm 50 doanh nghiệp xuất khẩu lao động]

Trước thực tế đó, Hiệp hội các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Việt Nam đang áp dụng thí điểm công cụ tự giám sát, đánh giá nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ lao động di cư một cách hiệu quả hơn.

Tự giám sát chất lượng
 
Ở Việt Nam, năm 2010, Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) đã áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC-VN) cho các doanh nghiệp cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài, với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). COC-VN là một cơ chế tự nguyện nhằm cải thiện việc tuân thủ pháp luật trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường quản lý doanh nghiệp và bảo vệ lao động di cư tránh bị bóc lột và cưỡng bức lao động.
 
COC-VN bao gồm nhiều khâu, từ quảng cáo, tuyển dụng, đào tạo, hợp đồng cho lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, giải quyết tranh chấp cho tới giúp người lao động trở về nước. Mặc dù COC-VN không thể thay thế cơ chế thanh tra, giám sát của Chính phủ vốn có chức năng xử phạt doanh nghiệp nhưng COC-VN khuyến khích các công ty tự giác, chủ động xem xét và cải thiện quy trình hoạt động của mình trong lĩnh vực này.
 
“Các công cụ tự điều tiết, đánh giá đóng một vai trò quan trọng giúp nâng tầm các doanh nghiệp cung ứng lao động, bởi nó hỗ trợ các quy định của Chính phủ và giúp giám sát các công ty trong lĩnh vực này. Nó đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia đang gửi ngày một nhiều lao động ra làm việc ở nước ngoài như Việt Nam," ông Max Tunon, Điều phối viên dự án Tam giác tiểu vùng Sông Mê Kông (dự án bảo vệ lao động di cư) của ILO cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ông Nguyễn Thanh Hòa, COC-VN là cơ sở để doanh nghiệp có thể xây dựng uy tín, nâng cao thương hiệu của mình trong mắt người lao động và đối tác nước ngoài, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động di cư.
 
Với Chủ tịch VAMAS ông Nguyễn Lương Trào: “COC-VN là công cụ để đánh giá công bằng giữa các doanh nghiệp, hướng tới cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ, nhân rộng các điển hình tốt”.

Ông Trần Văn Tư, Trưởng Phòng Cơ chế chính sách (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng việc tuân thủ COC-VN có thể giúp ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trong quá trình tuyển dụng, từ đó giảm chi phí đối với người lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
 
Mô hình tốt cho khu vực
 
Tại Việt Nam, năm 2011, VAMAS đã đưa ra một cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện COC-VN. Sang năm 2012, 20 doanh nghiệp lớn (chiếm tới 30% số lượng lao động Việt Nam được gửi đi làm việc ở nước ngoài) tự nguyện tham gia chương trình thí điểm xếp hạng các doanh nghiệp thực hiện COC-VN, trong số đó, 8 doanh nghiệp được xếp loại “xuất sắc” (A1).  Năm 2013 sẽ mở rộng diện đánh giá, xếp loại ra 50 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 170 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

“Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã áp dụng thành công Bộ Quy tắc Ứng xử cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Những kinh nghiệm của Việt Nam có thể trở thành một mô hình tốt cho các nước trong khu vực noi theo,” ông Max Tunon cho biết.
 
Lợi ích của mô hình này cũng đồng thời được các doanh nghiệp và bản thân người lao động đánh giá cao. Vì vậy, một số nước như Bangladesh, Campuchia, Lào và Myanmar đang xem xét áp dụng các công cụ tự điều tiết, đánh giá tương tự.

Việc được xếp loại tốt trong việc thực hiện COC-VN sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều đối tác nước ngoài và khách hàng tại Việt Nam. Cụ thể, Công ty đào tạo và cung ứng nhân lực LETCO đã thu hút thêm nhiều khách hàng và các đối tác trong và ngoài nước kể từ khi công ty được xếp hạng 2 trong số các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động.
 
Ông Bùi Kim Sơn, Giám đốc công ty LETCO  chia sẻ: “Việc đàm phán với các đối tác nước ngoài cũng thuận lợi hơn khi họ biết rằng chúng tôi tuân thủ đầy đủ COC-VN.”
 
Trong khi đó, đối với những người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài thì việc xếp loại các doanh nghiệp cũng là cơ sở để họ lựa chọn những doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo. Chị Phùng Thị Trâm đã tham khảo bảng xếp hạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hồi tháng 7 khi tìm một doanh nghiệp tuyển dụng để lựa chọn doanh nghiệp đưa em trai chị Trâm đi làm việc ở Nhật Bản. Chị Trâm rất vui mừng vì giờ đây đã có một nguồn đáng tin cậy để tham khảo.
 
“Việc biết được doanh nghiệp nào tốt rất quan trọng, nếu không chúng tôi sẽ phải chịu rủi ro và có thể mất tiền oan,” chị Trâm nói.
 
Ông Max Tunon chia sẻ: “Trong tương lai, cần thiết phải tăng số lượng các doanh nghiệp xếp hạng và đưa một bên độc lập tham gia đánh giá các công ty một cách khách quan.”/.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục