Tư lệnh ngành Giao thông trả lời chất vấn những vấn đề ‘nóng’

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là một trong những Luật nhận được nhiều ý kiến và ý kiến tranh luận nhất trong các buổi chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trên nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: quochoi.vn)
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trên nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 16/11, trước nhiều ý kiến và ý kiến tranh luận những vấn đề “nóng” xung quanh dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn.

Uber phải ứng xử như doanh nghiệp vận tải

Liên quan đến việc vận tải học sinh, theo ông Nguyễn Văn Thể, vấn đề đưa đón học sinh hiện nay đặc biệt quan trọng và trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã đưa ra các điều khoản.

“Có một số ý kiến đề nghị việc đưa đón học sinh mang tính chất thời vụ, chúng tôi thấy rằng quan điểm này chưa rõ, bởi liên quan đến tính mạng của học sinh, liên quan đến thế hệ tương lai và trong thời gian vừa qua cũng đã xảy ra những tai nạn nghiêm trọng. Do đó, trong Luật chúng ta ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là phương tiện vận chuyển học sinh phải đảm bảo một cách an toàn,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Về vấn đề liên quan đến dịch vụ hỗ trợ vận tải như Uber, Grab, GoJek..., ông Thể khẳng định Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ và hoan nghênh các đơn vị cung cấp phần mềm tham gia kinh doanh vận tải.

Theo ông Thể, thời gian qua, các đơn vị cung cấp phần mềm nước ngoài như Uber, Grab... đã định giá cước vận tải, xe đi từ A - B hết bao nhiêu tiền và sau đó chia lại cho lái xe, trích lại cho mình. Do đó, đây là các doanh nghiệp có tham gia kinh doanh vận tải, tìm kiếm lợi nhuận ở Việt Nam nên phải ứng xử như doanh nghiệp vận tải.

Cũng theo ông Thể, chúng ta đã có Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cụ thể hóa thành luật để vấn đề việc xử lý vi phạm đảm bảo đúng quy định... Do đó, tư lệnh ngành giao thông mong các đại biểu tham gia góp ý nhằm hoàn chỉnh luật và làm sao luật phải đi vào cuộc sống để xử lý triệt để những vấn đề bất cập.

Luật học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc?

Lên quan đến giấy phép kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay cả nước có hơn 4,3 triệu ôtô, trong đó chỉ có 1,7 triệu ôtô tham gia kinh doanh vận tải, còn lại là xe cá nhân. Hiện nay, giáo trình của Việt Nam đào tạo cả kinh doanh vận tải và kỹ thuật lái xe nên việc đào tạo gồm 2 phần. Điều này dẫn đến bất lợi là những người học không có nhu cầu lái xe kinh doanh vận tải, chỉ lái xe cá nhân vẫn phải học môn nghiệp vụ kinh doanh vận tải.

Theo Bộ trưởng Giao thông, việc đưa ra luật là đã được học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc. Cụ thể, phía Hàn Quốc điều chỉnh 2 phần, một phần kinh doanh vận tải riêng, còn phần kỹ thuật lái xe được giảm tải trong các trường đào tạo, chỉ tập trung vào các kỹ thuật, biển báo để tham gia vận tải.

"Như vậy, 1,7 triệu lái xe tham gia kinh doanh vận tải phải học về các chính sách, về xếp hàng hóa trên phương tiện như thế nào cho đảm bảo an toàn. Do đó, luật của chúng ta tách ra để cho người học sẽ giảm tải và người kinh doanh vận tải phải học thực sự để được cấp chứng chỉ,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích.

Về phí sử dụng đường cao tốc, theo người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải, hiện Việt Nam có kế hoạch xây dựng đường cao tốc rất lớn nhưng đang gặp khó khăn không hề nhỏ về nguồn vốn. Nghị quyết 52, Nghị quyết 117 của Quốc hội cho phép đầu tư bằng ngân sách Nhà nước bằng cách tổ chức thu phí và đây là cơ sở để đưa vào luật. Khi đã đưa vào luật thì đảm bảo công bằng giữa các vùng, miền và có kinh phí để phát triển đường cao tốc, có điều kiện để quản lý giao thông vận tải tốt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục