Những ngày cuối tháng Tư đầu tháng Năm mùa Hạ đỏ lửa cũng là khi COVID-19  bùng phát đợt dịch thứ 4 với nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn kéo dài đến tận tháng Chín với con số mắc bệnh lên đến kỷ lục: 473.530 ca (tính từ 27/4 đến 18h ngày 1/9/2021), trong đó có 11.868 người đã không qua khỏi.

Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, số ca bệnh đã gấp hơn 100 lần so với thời gian trước đó, kể từ ca bệnh đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam  vào tháng 2/2020 đến thời điểm 27/4, toàn quốc chỉ mới ghi nhận 4.214ca. Con số người thiệt mạng vì virus SASR-CoV-2, thời gian trước 27/4 cũng chỉ là con số lẻ (65) so với con số của hơn 120 ngày qua (11.064).

Điểm lại các con số để thấy rằng, đợt dịch thứ 4 này thực sự ác hiểm, khi những con số vẫn cứ tiếp tục tăng lên dẫu cả hệ thống chính trị, toàn xã hội đã vào cuộc ngay với mục tiêu cao nhất là đẩy lùi dịch bệnh, đặt tính mang và sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu.

Ngay khi có dấu hiệu dịch bùng phát, vào ngày 2/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19 để thảo luận các giải pháp hiệu quả cần tập trung thực hiện để đẩy lùi, ngăn ngừa dịch bệnh.

Người đứng đầu Chính phủ, khi đó đã yêu cầu phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch, để sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch… trên tinh thần phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng chống dịch và khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường phân cấp, giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Điểm cốt yếu được Thủ tướng nhắc nhở khi đó chính là “Không được có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để dẫn đến hậu quả khó lường”.

Sau đó 3 ngày, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 vào ngày 5/5, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo: Chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất.” Và, một trong hướng tấn công mũi nhọn, tổng lực mà Thủ tướng đưa ra đó chính là: Chiến lược vaccine.

Quay trở lại câu chuyện vaccine, vào thời điểm trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam được nhìn với sự e dè. E dè cũng phải thôi, ngay trên thế giới cũng có một trường phái nói không với vaccine (mọi loại vaccine), mà vaccine phòng chống COVID-19 lại là một loại quá mới.

Một thực tế khác, vaccine cũng không có nhiều, những nước giàu có, họ đã xếp hàng để mua cho người dân từ rất sớm, khi mà dịch bệnh tại xứ sở của họ bùng phát. Việt Nam khi đó, mới chỉ có vài trăm ca bệnh, số tử vong mấy chục người chưa phải là địa bàn được ưu tiên để mua vaccine.

Quyết sách “tấn công dịch bệnh” bằng “vũ khí vaccine” của người đứng đầu Chính phủ là một chiến lược hoàn toàn mới và vô cùng đúng đắn, kịp thời.


Theo tính toán, để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng, đã huy động được 8.645 tỷ đồng (đến 30/8). Hiện, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 Việt Nam đã đàm phán và được cam kết là 149,9 triệu liều.


Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc,” khan hiếm vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn cầu, để sớm có vaccine và triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021, trong đó yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc; cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất.

Nghị quyết cũng nêu rõ, đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay, đẩy nhanh việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine song song nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố. Thủ tướng nhấn mạnh, thành công của một chiến dịch tiêm chủng là phải đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất theo quan điểm “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất.”

Để đảm bảo nguồn tài chính vững bền chiến lược vaccine, Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam đã được thành lập để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất vaccine, đảm bảo an ninh vaccine của Việt Nam. Sau 3 tháng kể từ khi ra mắt, cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đồng thời đảm bảo ngân sách Nhà nước để đảm bảo vaccine cho người dân này đã thu hút 8.645 tỷ đồng, trong đó đã có 282 tỷ đồng được chi dùng để mua vaccine.

Việc quyết tâm triển khai Chiến lược vaccine được thể hiện qua chính sách ngoại giao vaccine rộng rãi. Người đứng đầu Chính phủ đã không ngại ngần trong việc chủ động yêu cầu sự giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài mà ông có điều kiện tiếp cận thông qua điện đàm, gặp gỡ…


Cho đến 31/8, tổng số vaccine COVID-19 về Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau là hơn 27 triệu liều, riêng vaccine AstraZeneca có hơn 17 triệu, Moderna có hơn 5 triệu, Pfizer có khoảng 3 triệu, vaccine Sinopharm có 2,5 triệu và 12.000 liều vaccine Sputnik V. Trong số này, hơn 14 triệu liều ( 14.169.000) là được tặng, viện trợ từ chính sách ngoại giao vaccine.


Sau hơn 3 tháng quyết liệt triển khai, Chiến lược vaccine đã đạt được những thành quả đáng khâm phục. Vào thời điểm tháng 5/2021 chúng ta mới chỉ có 2,9 triệu liều vaccine được mua và cấp thông qua chương trình COVAX, nhưng đến ngày 31/8 số vaccine được tài trợ, nhập khẩu về là hơn 27 triệu liều. Đã có hơn 20 triệu liều được tiêm cho người dân thuộc “vùng nóng,” những đối tượng ưu tiên… trong đó, gần 3 triệu liều là tiêm mũi thứ 2.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế – xã hội, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân, vào sáng 24/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hội nghị đã thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (Ban Chỉ đạo). Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

“Thống nhất chủ trương đối với các kiến nghị của Chính phủ về các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Tổng Bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội triển khai các bước để khẩn trương cụ thể hóa, bố trí ngay nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho các cấp, ngành, địa phương; đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Lãnh đạo chủ chốt về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngay sau đó, ngày 28/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 84/QĐ-BCĐ về Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cũng như trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) trong từng lĩnh vực cụ thể.

Theo đó, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp cần thực hiện hoạt động theo quy chế quy định, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước nhân dân về phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện dần, không nóng vội, không cầu toàn; phát huy tinh thần trách nhiệm với mục tiêu tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương các cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo tiêu chí: Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Chỉ huy trưởng, có quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cho rõ ràng, có cơ chế giao ban của các cấp, báo cáo cấp trên trực tiếp hàng ngày, tổ chức ứng trực, tiếp nhận, xử lý mọi thông tin 24/24, nhất là đối với người dân.

“Cả nước đồng lòng, chung sức cùng Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh lân cận để chống dịch. Ngoài các lực lượng công an, quân đội, y tế, cả hệ thống chính trị và các lực lượng cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… tại chỗ và chi viện từ Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc tích cực…” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngay sau khi đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo, vị Tư lệnh đã có chuyến công tác xuống “vùng đỏ đậm đặc” của dịch COVID-19 là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương với mục tiêu phấn đấu từ 15/9 kiểm soát được dịch bệnh ở những vùng này.

Tại Bình Dương, người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra khả năng đáp ứng của các đường dây nóng về an sinh, y tế của địa phương. Thủ tướng đề nghị người dân gọi vào các số điện thoại địa phương cung cấp, yêu cầu hỗ trợ y tế và gói an sinh và ông đã đứng đợi nhân viên y tế đến. Trước đó, khi kiểm tra tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), Thủ tướng cũng đã nắm bắt và nêu ra thực tế về việc nhiều người dân vẫn chưa biết số điện thoại liên hệ của cấp xã, phường, thị trấn khi cần hỗ trợ khẩn cấp về an sinh, y tế… . Thủ tướng đã yêu cầu chính quyền cơ sở phải dán tờ rơi tại từng khu trọ, từng nhà… để người dân biết các số điện thoại hỗ trợ.

Từ những thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, trong các cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt hai địa phương này (có kết nối trực tuyến xuống các điểm cầu xã, phường…) và tại cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 29/8, vị Tư lệnh phòng chống dịch đã đưa ra những quyết sách cụ thể, thực tế cho từng bộ, ngành, địa phương cho từng lĩnh vực. 

Kết luận cuộc họp tại Thông báo 226/TB-VPCP, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chiến lược phòng chống dịch của thời gian tới là: Phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn xã hội; biểu dương sự đóng góp của cộng đồng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tổ chức về phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, song song vơid đó Thủ tướng yêu cầu cần kịp thời sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, bổ sung các biện pháp phù hợp trong thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch cho giai đoạn kế tiếp.

“Tư tưởng ‘các phường, xã là pháo đài’ cần phải được quán triệt đến từng người dân, để nhân dân đồng lòng thực hiện nghiêm giãn cách. Thần tốc xét nghiệm xác định nguồn lây để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, rút ngắn chu kỳ xét nghiệm bao phủ và trả kết quả; Tiếp cận người bệnh sớm nhất, phân loại bệnh nhân để áp dụng và phân luồng điều trị tại gia đình hoặc tập trung; tăng cường nhân lực, phương tiện cho các cơ sở y tế để cứu chữa bệnh nhân COVID-19 giảm tối đa ca tử vong…” – Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương đang thực hiện CT16 phải nhân rộng các tổ công tác, trạm cung ứng, y tế lưu động; tổ chức khám, chữa bệnh ngay từ đầu, ngay tại cơ sở để phân loại, đáp ứng phù hợp; tổ chức hậu cần, cấp phát lương thực, thực phẩm ngay tại phường, xã, ngõ, xóm, tổ dân phố, thậm chí tới từng hộ dân; tổ chức vận động nhân dân “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt là đối với những người dân, lao động không tự ý ra khỏi vùng dịch về quê, vì sức khỏe chính mình và vì cộng đồng…

Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản xấu hơn, cao hơn để chuẩn bị nhân lực, vật lực. Tập trung thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống từ tỉnh xuống huyện, xã để chỉ huy chống dịch hoạt động 24/24; tăng cường giám sát từ tỉnh đến xã.

Với lực lượng y tế, Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân y tăng cường xe cứu thương, ôxy cho các “vùng đỏ” đồng thời bổ sung thêm điều kiện cho các trung tâm y tế ở cấp huyện, phường, xã… Yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên phân bổ vaccine và thuốc điều trị cho các “vùng nóng” như TP.HCM, Bình Dương, đặc biệt ưu tiên cho số công nhân, người lao động, khu đông người.

Khi dịch bệnh bùng phát, triển khai ngay thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó,” đặc biệt cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, ngăn chặn tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng nông thôn nơi có hạ tầng y tế còn hạn chế. Tiến hành phân loại, quản lý chăm sóc, thu dung, điều trị ca bệnh ngay tại cơ sở, tại các trạm y tế lưu động để giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong; phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, không để quá tải y tế ở tuyến trên. Trong điều trị, Thủ tướng yêu cầu tổ chức hợp tác công-tư để cùng phòng, chống dịch, kết hợp Đông y và Tây y, áp dụng các phương pháp cổ truyền với hiện đại trong điều trị.

“Bảo đảm an dân, trật tự an toàn xã hội, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội. Có các biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, tự giác bảo vệ cho mình, cho gia đình, góp phần bảo vệ cho cộng đồng; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn.” “Phải đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng khi người dân cần, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Phải đáp ứng mọi yêu cầu y tế cho mọi người dân; tăng cường thêm năng lực y tế cho xã, phường như ôxy, thiết bị…cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội…” – Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương xác định các điểm xanh, vùng xanh để bảo vệ chặt và mở rộng dần. Khẩn trương nghiên cứu di dời một bộ phận dân cư tại các khu vực có mật độ dân cư cao, khu nhà trọ đông người, khu tập trung nhiều người nghèo, chật chội… đến các địa điểm thông thoáng, an toàn như trường học, cơ sở lưu trú, nhà văn hóa… để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

Các địa phương cần phải gần dân, sát sao thực tế an sinh của người dân, xem xét ét mở rộng đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. “Công tác tuyên truyền cần kịp thời, đầy đủ và phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch, đồng thời đấu tranh thông tin xấu độc,” Thủ tướng nhấn mạnh.

“Công tác chỉ đạo, điều phối các nguồn lực chi viện, hỗ trợ và nguồn lực tại chỗ phải được tập trung, thống nhất; các lực lượng phối hợp hoạt động trơn tru, hệ thống vận hành hiệu quả; trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh thì tiếp tục bàn, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, vì mục tiêu cao nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.”– Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trên tinh thần không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Chính phủ khuyến khích thực hiện duy trì, phát triển sản xuất tuy nhiên phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định.” Ông cũng yêu cầu các địa phương phải hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất không được ra những quy định riêng, không ban hành giấy phép con. Để triển khai, Thủ tướng yêu cầu áp dụng triệt để các biện pháp công nghệ quản lý, ban hành quy định quản lý đi lại trong thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương. Căn cứ tình hình cụ thể, giao cho một cơ quan quản lý ban hành, giao cho cơ quan công an thống nhất quản lý, cấp giấy phép đi lại.

“Cần thống nhất nhận thức khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn (ngay cả nước có độ bao phủ cao về vaccine, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát) nhưng phải có cách làm, phương án chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Mục tiêu trong thời gian tới cần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể theo Nghị quyết số 86/NQ-CP đã đề ra, thực hiện mục tiêu kép.”– Thông báo 226/TB-VPCP.

Diễn biến mới nhất vào chiều 31/8, sau khi cùng đoàn công tác đến kiểm tra Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 quy mô 500 giường tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát đột xuất tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), nơi đang được coi là ổ dịch lớn nhất, nóng nhất tại Hà Nội hiện nay với 311 ca mắc COVID-19.

Tại đây, Thủ tướng đã trao đổi và nói chuyện với từng người dân để nắm tình hình. Ông đã đề nghị được xem giấy đi đường và giấy chứng nhận tiêm vaccine của một shipper, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch của một số cửa hàng bán hàng thiết yếu trên đường Nguyễn Tuân.

Người dân đã hết sức ngạc nhiên và cảm động khi được người đứng đầu Chính phủ hỏi cũng như hướng dẫn chi tiết cách thức giao hàng, bán hàng và thu tiền của khách thế nào để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tiếp đó, Thủ tướng đã đến kiểm tra chốt kiểm soát ở ngã ba Nguyễn Trãi – Nguyễn Tuân, động viên các thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng đang làm việc tại đây để tìm hiểu về thực tiễn kiểm soát người dân đi lại trên đường.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1108/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Nội dung công điện nêu rõ: Rút kinh nghiệm từ kỳ nghỉ lễ 30/4, yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Cụ thể: “Với các địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, dứt khoát thực hiện theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”; không để tập trung đông người, không để người dân di chuyển, ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Nguồn: VTV

Với các địa phương không áp dụng CT16, cần thực hiện nghiêm, đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là 5K; dừng tổ chức lễ hội, tập trung đông người không cần thiết.

Tổ chức tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội; tuyệt đối không để đứt gãy chuỗi cung ứng an sinh, bảo đảm tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong thời gian nghỉ lễ.

Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; đồng thời, tổ chức ứng trực 24/24h với lực lượng tham gia chống dịch để kịp thời phát hiện, xử lý vấn đề phát sinh.”