Từ nhà báo thành học giả Việt kiều có tiếng ở Thái

Từ một nhà báo của Sở Thông tin Việt Nam, ông Châu Kim Quới, đã trở thành một học giả Việt kiều được trọng nể ở xứ chùa Vàng.
Từng làm thư ký rồi quyền giám đốc một thời gian tại Sở Thông tin Việt Nam tại Thái Lan, ông Châu Kim Quới, có bí danh Hoàng Kim Quý và tên Thái là Thawi Sawangpanyangkoon, đã trở thành học giả Việt kiều được trọng nể ở xứ "chùa Vàng."

Sinh năm 1926 ở một làng thuộc tỉnh Cần Thơ, ông Châu Kim Quới đỗ tú tài ở trường Lycees Pétrus Ký tại Sài Gòn, sau đó được cử sang Bangkok năm 1946 làm Thư ký rồi quyền Giám đốc một thời gian tại Sở Thông tin Việt Nam tại Thái Lan. Sở này là cơ quan giới thiệu tin tức, sách báo, tạp chí và ấn phẩm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Thái đầu tiên của Việt Nam ở hải ngoại.

Khoảng một năm sau khi chính thức nhìn nhận chính phủ của Bảo Đại, Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã yêu cầu Phái viên quán và Sở Thông tin Việt Nam ngừng mọi hoạt động.

Khi chính phủ thời đó ở Thái Lan đẩy mạnh bắt bớ người Việt yêu nước, Châu Kim Quới phải lánh nạn đến tỉnh Chiang Mai (cách Bangkok 700km, miền Bắc Thái Lan), nơi chàng thanh niên này chuyển sang dùng tên của người Thái và lập gia đình.

Châu Kim Quới học và tìm hiểu về ngôn ngữ địa phương là văn tự cổ Lanna, làm thầu khoán xây dựng, rồi tự túc sang Paris học tiếng Pháp. Ông là người gốc Việt duy nhất có vinh dự được mời viết bia ký bằng văn tự cổ Lanna đã được dựng tại Đài tưởng niệm Tam vương, trong đó có Vua Ramkhamhaeng, ở Chiang Mai.

Nhiều năm làm thỉnh giảng viên về ngôn ngữ, văn hóa Lanna và tiếng Việt tại các trường Đại học Chiang Mai, Đại học Chulalongkorn, Mahidol, Silpakorn, Thammasat (ở Bangkok), ông Châu Kim Quới còn là ủy viên Ủy ban nghiên cứu lịch sử Thái Lan qua các thư tịch Hán văn; đã phát hiện và tạo lập 20 phông chữ Thái cổ và phông chữ của các tộc Thái ít người, lập trình đưa vào trong máy tính để có thể sử dụng rộng rãi.

Với sự tài trợ của Quỹ nghiên cứu Thái Lan, của Viện Thái học, Đại học Chulalongkorn, Viện châu Á-Thái Bình Dương, ông tìm hiểu và nghiên cứu về người Thái đen, người Chăm ở Việt Nam; làm phiên dịch viên Thái-Việt tại phần lớn lễ trao giải thưởng Văn học Đông Nam Á (SEA Write) và một số sự kiện khác ở Thái.

Điều đáng chú ý là ông đã khéo léo vận động một trường đại học có tiếng tại Thái Lan tài trợ phát hành Việt học, tạp chí song ngữ Thái-Việt ra số đầu tiên vào tháng 7-9/1997. Ông vừa là tổng biên tập và là người trực tiếp viết bài kiêm trình bày, thiết kế tạp chí mỗi năm ra 3-4 số.

Thông qua giới thiệu về văn hóa, ngôn ngữ phong tục, tập quán, lịch sử Việt Nam, về Bác Hồ và các nhà lãnh đạo của Việt Nam, tạp chí Việt học có tác dụng tốt đối với con em kiều bào, sinh viên Thái Lan học tiếng Việt và những người Thái muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam và cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan.

Tháng 11/2008, ông Quới được Viện Hoàng gia Thái Lan bổ nhiệm làm thành viên làm việc trong một ủy ban có trách nhiệm đặt ra quy luật chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Thái, giúp đồng bộ hóa việc phiên âm tiếng Việt trong tất cả các loại sách, truyện, văn bản... in viết bằng tiếng Thái ở xứ “chùa Vàng.”

Những công trình nghiên cứu của ông có ý nghĩa lớn đối với ngành ngôn ngữ học và sử học ở Thái Lan. Trong nhà ông có mấy tủ sách mà trong đó có cả sách tiếng Việt và sách cổ viết trên những chất liệu lấy từ tự nhiên như tre, gỗ, lá - loại sách hiện giờ số người đọc được ở Thái Lan chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Gia đình ông mới được Nhà nước Việt Nama trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và bản thân ông được tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất vì đã có thành tích tham gia, đóng góp, giúp đỡ đất nước trong cuộc kháng chiến góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước ông đã được Bộ Ngoại giao tặng Bằng khen vì có đóng góp tích cực trong việc truyền bá tiếng Việt, giữ gìn văn hóa Việt Nam, và Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Huy chương vì sự nghiệp Thông tấn vào năm 2003./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục